Tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 10.000m2 trên đường Điện Biên Phủ, dưới chân Cột cờ Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự chính là khu trại lính thông tin của Quân đội Pháp xưa kia. Công trình được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX gồm 2 dãy nhà 2 tầng, 28 gian với diện tích 2.765 mét vuông nội thất. Chính Bác Hồ kính yêu là người đã lựa chọn khu trại lính này để xây dựng bảo tàng vì địa điểm này gần trung tâm thành phố, giao thông thuận tiện, đồng thời nơi đây cũng mang nhiều giá trị lịch sử. Ngày 17-7-1956, đồng chí Lê Liêm, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị bấy giờ, ký Quyết định thành lập Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Sau đó 3 năm, vào ngày 12-12-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng các vị lãnh đạo Đảng - Nhà nước đến duyệt lần cuối và cho phép khai mạc Bảo tàng vào ngày 22-12-1959, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

leftcenterrightdel
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Trải qua sáu thập kỷ xây dựng, trưởng thành, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong sáu bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu ngành của hệ thồng bảo tàng Quân đội. Theo Thiếu tướng, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Năng, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Viện Nam, kho cơ sở của bảo tàng có 15 vạn hiện vật, mà trong số đó có nhiều sưu tập hiện vật mang giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, được bảo quản cẩn trọng. Hệ thống trưng bày nội thất của Bảo tàng trưng bày 4.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh, tái hiện sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, tái hiện một số trận quyết chiến, chiến lược của dân tộc ta trong lịch sử chống ngoại xâm, thể hiện tài thao lược, đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Hệ thống trưng bày ngoài trời với 200 hiện vật gốc khối lớn trưng bày trên diện tích 5.000m2, giới thiệu những vũ khí lập công của quân và dân ta trong lịch sử chống ngoại xâm và những vũ khí trang bị hiện đại thu được của địch. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong những bảo tàng quốc gia có số lượng hiện vật và số lượng khách tham quan đông nhất hiện nay, với hàng chục triệu lượt khách tham quan trong đó có trên ba triệu lượt khách quốc tế đến từ 150 quốc gia trên khắp thế giới.

Bước chân đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vào một chiều mùa thu, ông Đàm Minh Châu, một cựu chiến binh của những năm kháng chiến chống Mỹ không khỏi nghẹn ngào: “Đứng trước chiếc máy bay MiG 21- 4324, tôi như thấy lại toàn bộ khói lửa năm nào, lòng tôi bỗng quặn lại, da diết nhớ và thương các đồng đội đã hy sinh. Rồi cả những chiếc xe đạp thồ và cả hình ảnh đường mòn Hồ Chí Minh nữa, nếu không có những kỷ vật này làm sao con trẻ biết được ông cha chúng đã chiến đấu oanh liệt đến nhường nào”. Những vị khách tham quan cùng đoàn với ông Châu, đều là cựu chiến binh năm xưa. Họ đều có chung niềm xúc động, bao ký ức ùa về trong một buổi chiều man mác càng khiến họ thêm tự hào về quân đội nhân dân Việt Nam, về những đồng đội đã dũng cảm hy sinh xương máu, về những chiến công vang dội in dấu trong lịch sử nước nhà.

leftcenterrightdel
Nhiều hiện vật mang ý nghĩa lịch sử được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Đối với các em nhỏ, các thế hệ sau, cảm xúc đầu tiên có lẽ không thể phủ nhận đó là sự choáng ngợp. Những hiện vật lớn như các loại máy bay, xe tăng quân sự khiến các em thấy mình thật nhỏ bé và khi được hiểu về lịch sử của từng chiếc thì các em lại càng thấy mình nhỏ bé hơn nữa bởi sự hy sinh của các anh hùng để bảo vệ Tổ quốc là quá đỗi lớn lao. Các hiện vật nhỏ hơn như vũ khí qua các thời kỳ, thậm chí có những vật niên đại cách đây hơn 2.000 năm giúp các em phần nào hình dung được về cuộc sống nói chung và sự sáng tạo của người Việt cổ nói riêng; giúp các em hình dung được phần nào về các cuộc chiến từ thời dựng nước của dân tộc ta. Các loại vũ khí tại đây không chỉ thu hút sự chú ý của khách tham quan mà còn khiến giới nghiên cứu rất quan tâm. Một vị khách đến từ Singapore, vốn là giáo sư lịch sử, nhân một chuyến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Tôi thật sự kinh ngạc và thấy rất hứng thú với những hiện vật ở đây. Tôi đã nghiên cứu và giảng dạy lịch sử nhiều năm nhưng bước chân tới đây tôi mới thấy vỡ ra nhiều điều mà tôi vốn trăn trở. Tôi đã đi rất nhiều nơi, và ở chính nơi này tôi phát hiện ra một số điểm đối lập trong những nghiên cứu lịch sử trước đây của tôi. Chắc chắn tôi sẽ quay lại sớm để giải đáp mọi khúc mắc trong nghiên cứu của mình”.

Những hiện vật gốc trung thực, độc đáo tại Bảo tàng đã khiến nơi đây thực sự trở thành một trung tâm văn hoá, lịch sử, một địa điểm hấp dẫn đối với khách tham quan nói chung và giới nghiên cứu nói riêng để tìm hiểu về lịch sử quân sự, cũng như lịch sử đất nước Việt Nam. Nhờ những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng hai, hai Huân chương Chiến công hạng ba, được Nhà nước nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai, Huân chương Anh dũng hạng hai.

Mỗi hiện vật là một dấu ấn thời gian, đánh thức ký ức đầy tự hào của một thế hệ như huyền thoại về tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự hi sinh quên mình và những đóng góp của bạn bè quốc tế, giúp cho việc nghiên cứu khoa học quân sự, đồng thời, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống cho thế hệ trẻ, để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN