Thời gian qua, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này, qua đó, góp phần hoàn thiện tiêu chí về môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các huyện trên địa bàn.

 Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hà Nội về phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2020, hiện nay, về môi trường nước, có 139 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, 95 làng nghề gây ô nhiễm. Đối với môi trường không khí, có 12 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề gây ô nhiễm. Về môi trường đất, con số tương ứng là 9 và 3 làng nghề. Các chuyên gia cũng đánh giá, các làng nghề hiện có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Nhiều làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất... dẫn đến tình trạng ô nhiễm, tác động xấu tới môi trường sống của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, do quy mô nhỏ nên các hộ sản xuất không đủ điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường (BVMT).

Nhằm tuyên truyền ý thức BVMT làng nghề, từ năm 2019 đến nay, Sở TN&MT thành phố đã in ấn, phát hành 4.000 cuốn sổ tay BVMT làng nghề kết hợp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, hướng dẫn các hộ sản xuất thực hiện các biện pháp BVMT. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền về thực trạng các vấn đề sản xuất và ô nhiễm tại các làng nghề. Sở cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức Chương trình “Roadshow-Nâng cao nhận thức tuyên truyền xanh”; tổ chức cuộc thi “Hành động đẹp vì môi trường làng nghề”. Cùng với đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT tiếp tục thực hiện công tác rà soát, đánh giá, phân loại 100% làng nghề trên địa bàn thành phố. Kết quả đánh giá phân loại làng nghề là một bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề theo hình thức xã hội hóa. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành, trực tuyến; triển khai hệ thống quan trắc tự động để phục vụ nhu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề. Hệ thống quan trắc tự động sẽ truyền dữ liệu về Sở TN&MT quản lý, theo dõi giám sát theo quy định.

 Ngoài ra, thành phố cũng lập danh mục các cụm công nghiệp có tính chất làng nghề nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề mở rộng mặt bằng sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường. Về tài chính, thành phố triển khai chính sách vay vốn ưu đãi để các hộ sản xuất thay đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn... Nhằm đạt hiệu quả trong thực hiện đề án của thành phố, căn cứ kết quả rà soát, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về BVMT làng nghề; tiếp tục thực hiện quy hoạch, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp để hạn chế ô nhiễm... Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, các làng nghề là thế mạnh để phát triển kinh tế Thủ đô. Do vậy, cần đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển cụm công nghiệp làng nghề quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giữ nghề truyền thống. Các cụm công nghiệp được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và không được chuyển các gia đình ở các làng nghề ra sinh sống mà chỉ để xây dựng các nhà xưởng sản xuất. Thành phố cũng ưu tiên phát triển các nghề truyền thống của các làng nghề cổ truyền; khuyến khích phát triển công nghiệp sạch và công nghệ cao; xây dựng đồng bộ các trạm xử lý nước thải.

MẠNH LONG