Thế nhưng, không nằm ngoài ảnh hưởng của các đợt sóng Covid-19, giống như du lịch cả nước, du lịch Thủ đô có giai đoạn gần như "đóng băng" khi không thể đón khách quốc tế, lượng khách trong nước ít ỏi do tâm lý e ngại dịch bệnh...
Liên tiếp đón những cơn sóng dịch bệnh
“Bão” Covid-19, 4 lần “càn quét” khiến ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Thủ đô nói riêng thiệt hại nặng nề. Năm 2020, số lượng khách du lịch đến Hà Nội chỉ bằng 30% so với năm 2019 (đạt 8,65 triệu lượt khách). Từ cuối tháng 1-2021 đến nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát khiến hoạt động du lịch Thủ đô vừa có dấu hiệu khởi sắc tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các hoạt động du lịch phải tạm dừng trong thời gian giãn cách xã hội, sụt giảm lượng khách, nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động kinh doanh, tài chính và lao động, giải quyết hủy, hoãn dịch vụ.
5 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội chỉ vào khoảng 2,89 triệu lượt, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch (chỉ bao gồm khách du lịch nội địa) đạt khoảng 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sơ bộ thống kê trong thời điểm hiện nay, đã có 95% đại lý lữ hành dừng hoạt động; 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa phải rút giấy phép kinh doanh; số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp, đại lý lữ hành, tương đương với 12.168 người; doanh thu của dịch vụ vận chuyển khách du lịch ước giảm tới 90 - 98% so với cùng kỳ năm 2020.
    |
 |
Du khách tham quan Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo
Mặc dù, bị dịch bệnh đánh trực diện, nhưng ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động các giải pháp phục hồi, nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch, quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép”, duy trì tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Thành phố và Bộ Y tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, trong đó tăng cường kiểm tra các khách sạn sử dụng phục vụ công tác cách ly tập trung cho khách nhập cảnh và tổ bay. Phối hợp với tỉnh, thành phố trong cả nước để nắm bắt thông tin các đoàn khách, phối hợp quản lý, phòng, chống bệnh dịch quy định. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch tại một số điểm đến du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố.
Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn phối hợp, chỉ đạo các cơ sở lưu trú du lịch triển khai có hiệu quả việc đăng ký tự đánh giá an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 và kết nối với hệ thống an toàn Covid-19 quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Để giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động kết nối giữa cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị dịch vụ hàng không, đường sắt, ô tô, khách sạn, lữ hành, điểm đến... triển khai chương trình nâng cấp sản phẩm, điểm đến du lịch, xây dựng các sản phẩm mới, độc đáo, thu hút khách du lịch nội địa, đồng thời với triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển đa dạng thị trường khách du lịch nội địa (khách du lịch là người Hà Nội, các tỉnh, thành phố và người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam).
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch (như giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp...), qua đó giúp các doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm triển khai các chương trình, hoạt động du lịch trong thời gian tới.
Song song với việc thu hút khách bằng các sản phẩm đặc trưng, ngành Du lịch Hà Nội sẽ đổi mới cách quảng bá thông tin và liên kết xúc tiến để lan tỏa hình ảnh du lịch Thủ đô đến với du khách. Hiện nay, Sở Du lịch đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá trên hệ thống báo đài, cổng thông tin điện tử. Sở đã tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện Chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch Thủ đô trên kênh truyền hình quốc gia VTV (VTV Travel, S Vietnam; Ẩm thực đường phố; Chương trình V Việt Nam; Chuyển động 24h) và trên kênh truyền hình HTV giúp lan tỏa hình ảnh đẹp, đặc trưng của Thủ đô đến cả nước, trong đó có chính những người đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội.
Thời gian tới, Sở Du lịch cũng sẽ tập trung nghiên cứu tham mưu xây dựng Nghị quyết mới của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo trong đó tập trung thực hiện cơ cấu lại toàn diện ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch, môi trường du lịch; đáp ứng những thay đổi căn bản của thị trường du lịch trong tương lai. Xây dựng và đề xuất các kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch phục hồi, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Bài, ảnh: LINH PHẠM