Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí khó

Là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, huyện Mỹ Đức đã rất tích cực đầu tư xây dựng NTM. Đồng chí Bạch Liên Hương, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức cho biết, huyện hiện có 14 xã đạt chuẩn NTM; 7 xã còn lại đều đã tiệm cận các tiêu chí NTM. Hiện, huyện còn gặp khó khăn về các tiêu chí trường học và nước sạch. Đã có 3 quận của thành phố là Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cam kết hỗ trợ giúp huyện xây dựng các trường học đạt tiêu chí. Về tiêu chí sử dụng nước sạch, tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước sạch mới đạt 33%. Huyện phấn đấu sẽ nâng tỷ lệ này lên 50% trong năm 2020, qua đó, chất lượng đời sống người dân sẽ được nâng lên một cách thực chất. Huyện cũng đặt mục tiêu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2020.

leftcenterrightdel
Nuôi gà siêu trứng ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.

Đồng chí Nguyễn Phi Thường, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cho hay, Ứng Hòa là huyện nông nghiệp, đất chiêm trũng, hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa cao. Trong quá trình xây dựng NTM, huyện còn 4/28 xã chưa đạt chuẩn NTM. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện mới đạt 47 triệu đồng/năm, ở nhóm cuối của thành phố. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện phấn đấu đưa mức này lên 65 triệu đồng/năm. Để thực hiện mục tiêu này, Ứng Hòa xác định cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các sở, ngành của thành phố xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp Ứng Hòa giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đã quy hoạch vùng sản xuất, khu vực trồng lúa, khu vực nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả. Huyện khuyến khích hằng năm phát triển 1-2 trang trại/xã. Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa đề xuất, thành phố hỗ trợ thêm nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ của các sở, ngành trong giải quyết khó khăn về nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch; cơ cấu lại diện tích đất nông nghiệp; cơ chế, chính sách thủy lợi để phát triển nông nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội hiện có 355 xã (chiếm 92,9% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM. Toàn thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Những năm qua, thành phố đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực lớn đầu tư cho xây dựng NTM. Các quận cũng đã hưởng ứng phát động của Thành ủy, UBND thành phố về chung sức xây dựng NTM hỗ trợ các huyện với tổng kinh phí hơn 713 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay. Qua đó, tạo điều kiện cho các huyện hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ ra, trong quá trình xây dựng NTM, việc thực hiện nhiều tiêu chí còn chưa bảo đảm bền vững, như: Tiêu chí thu nhập, số hộ nghèo, an ninh trật tự... Ngoài ra, công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức, cần có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu.

Cần tập trung nguồn lực đầu tư 

 Tại Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2020 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Theo đó, các địa phương cần rà soát lại chỉ tiêu, mục tiêu. Từ đó đánh giá một cách thực chất để có giải pháp quyết liệt, đề ra phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn 2020-2025. Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các địa phương cần tập trung nguồn lực trong xây dựng NTM. Đối với các huyện được phê duyệt phát triển thành quận, công tác xây dựng NTM phải gắn với phát triển theo mô hình đô thị. Các huyện xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cụ thể, tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý, trong thời gian tới, các huyện, thị xã cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công, phát triển làng nghề. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từng địa phương cần rà soát, tập trung hoàn thành mục tiêu có 700 sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố trong năm 2020. Đây chính là thương hiệu phát triển làng nghề, nâng cao đời sống nông dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.

Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thành phố cần khẩn trương cấp kinh phí cho các xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn NTM năm 2020 và có hướng dẫn thủ tục cho các quận hỗ trợ các huyện trong xây dựng NTM. Các huyện cũng cần đăng ký công trình cụ thể để thành phố vận động các quận hỗ trợ xây dựng. Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ngành nâng cao trách nhiệm, sớm hoàn thiện hồ sơ 7 huyện, thị xã công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2020 để báo cáo UBND thành phố.

Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ