Đó là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Đức Trung (16 tuổi, quê ở Hải Dương). Trước đó, bệnh nhân thấy đau cộm ở mắt nên đã tự ra hiệu thuốc mua thuốc nhỏ mắt sử dụng trong hơn 3 tháng. Mỗi lần nhỏ mắt, mắt của bệnh nhân lại dịu đi, không khó chịu nữa. Nhưng đến ngày 23-3-2019, bệnh nhân đau nhức mắt đột ngột nên đã được người nhà đưa vào Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hai mắt không nhìn thấy gì, chỉ phân biệt được sáng tối, nhãn áp cao 60mmHg (nhãn áp người bình thường là dưới 20mmHg). Tại bệnh viện, các bác sĩ đã cho bệnh nhân sử dụng nhiều loại thuốc hạ nhãn áp nhưng không có tác dụng nên phải tiến hành phẫu thuật. Sau nhiều ngày điều trị, thị lực mắt phải của bệnh nhân đạt 20/200, nhãn áp hạ còn 15mmHg. Các bác sĩ cho biết tình trạng bệnh nhân khá trầm trọng, khả năng nhìn lại được rất khó khăn.
    |
 |
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám mắt cho bệnh nhân. |
Chủ tịch hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 Vũ Anh Tuấn cho biết, glôcôm là căn bệnh gây mù lòa thứ hai trên thế giới (sau đục thủy tinh thể) và không có khả năng hồi phục. Đáng nói, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glôcôm, đặc biệt là các trường hợp như: Những người trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glôcôm, người có nhãn áp cao, bị tật khúc xạ, viễn thị, cận thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, béo phì hoặc bị tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống,...”. Bệnh glôcôm có nhiều triệu chứng khác nhau. Với người mắc glôcôm cấp sẽ bị đau nhức mắt lan ra nửa đầu cùng bên, nhìn mờ, nhìn đèn có quầng, mắt đỏ, chảy nước mắt hoặc sợ ánh sáng. Với người mắc glôcôm mãn đôi khi mắt có cảm giác căng tức nhẹ thoáng qua, cảm giác như có màn sương vào buổi sáng, vùng nhìn bị thu hẹp và nhiều trường hợp không có triệu chứng gì.
Để điều trị bệnh glôcôm thì phương án hàng đầu hiện nay là sử dụng thuốc hạ nhãn áp, với những trường hợp không thích ứng với thuốc phải chuyển sang phẫu thuật. Ngoài ra, với những kỹ thuật tiên tiến điều trị bằng laser thì phương pháp này ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, nó không điều trị triệt để mà chỉ giúp cho thời gian tiến triển theo dõi bệnh được dài hơn và kết quả phẫu thuật khả quan hơn. Qua trường hợp của Nguyễn Đức Trung, TS, BS Vũ Anh Tuấn khuyến cáo: “Để giảm nguy cơ mù lòa do glôcôm thì quan trọng nhất là nhận thức của mọi người về bệnh glôcôm cần được cải thiện. Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh nên mọi người cần đi khám mắt ít nhất mỗi năm một lần mới có thể phát hiện được bệnh glôcôm ở giai đoạn sớm, khi bị glôcôm thì phải thực hiện nghiêm túc việc điều trị từ dùng thuốc tới thăm khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa glôcôm”.
Bài và ảnh: THÙY DUNG