Khởi nghiệp từ đồ “cùi bắp”
Bắp ngô sau khi được thu hoạch và tách hạt, phần lõi sẽ bị đốt tạo ra mùi khói khét và độc, điều đó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân mà còn gây ra những tác động xấu tới môi trường. Trước thực tế đó, một nhóm học sinh đã nảy ra ý tưởng tái chế lõi ngô thành phụ phẩm trong nông nghiệp. Dự án trên mang tên Cobtain được lên ý tưởng và thực hiện bởi 7 bạn trẻ là học sinh của các trường: Quốc tế Anh - Việt Hà Nội (BVIS), Trường quốc tế Concordia Hà Nội, Trường Quốc tế Anh (BIS), Trường Archimedes và Trường Chu Văn An (Hà Nội).
Với khẩu hiệu “From Nature to Nurture – quyết tâm nuôi dưỡng hành tinh này”, hoạt động của Cobtain hướng đến sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, tái chế các sản phẩm nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại một cuộc sống mới cho con người. Cụ thể, lõi ngô sau khi được mua từ người dân địa phương sẽ được chế biến thành hai loại. Thứ nhất lõi ngô viên dùng làm xỉ cho thú cưng, làm thức ăn và lót chỗ ngủ cho gia súc hoặc dùng để giữ độ ẩm cho đất trồng; thứ hai là ngô nghiền dùng làm giá thể trồng cây. Nguồn protein trong lõi ngô đóng vai trò thay thế các loại phân bón hóa học vốn không có lợi cho môi trường và sức khỏe con người, đồng thời có thể giúp đất màu mỡ hơn, cây xanh hơn.
Thực tế hiện nay, bên cạnh lõi ngô, nhiều người cũng sử dụng trấu, xơ dừa hoặc cát làm giá thể trồng cây hoặc chăm nuôi thú cưng. Tuy nhiên, lõi ngô có nhiều lợi thế hơn các sản phẩm kể trên vì đây là nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên mà giá lại phải chăng. Ngoài ra, lõi ngô còn có khả năng hút ẩm cao, rất thích hợp dùng trong trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời, để tiệt trùng, lõi ngô khi nhập về đều được sấy khô sao cho độ ẩm ở mức dưới 12%. Sau công đoạn sản xuất, sản phẩm sẽ được chuyển đến khách buôn, hoặc đưa về kho của công ty để bán cho khách mua lẻ. Theo nhóm tìm hiểu thì hiện nay trên thị trường chưa có đơn vị nào sản xuất loại viên nén lõi ngô này. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh cho ý tưởng mới mẻ, sáng tạo của nhóm.
Được lên ý tưởng từ cuối năm 2019, chỉ sau một tháng đi vào hoạt động, nhóm đã bán được những sản phẩm đầu tiên tại một hội chợ về các sản phẩm nông nghiệp. Tính đến ngày cuối tháng 7 năm nay, Cobtain đã bán được 34 tấn hàng. Đặc biệt, với sáng kiến tái chế từ lõi ngô, Cobtain đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp trẻ quốc tế - đây là một sân chơi lớn quy tụ sự tham gia của hơn 10.000 học sinh đến từ hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Tuy có những bước đi ban đầu khá thuận lợi nhưng trong quá trình thực hiện dự án, nhóm cũng gặp phải không ít khó khăn. Bạn Trần Thái Uyên, phụ trách nghiên cứu thị trường của Cobtain chia sẻ: “Mới đầu, các thành viên trong nhóm đều không biết chút gì về kinh doanh nên việc tính toán tiền đầu tư và doanh số là một trở ngại lớn đối với chúng em. Vì vậy, trong thời gian đầu, cả nhóm đã phải cố gắng rất nhiều để học hỏi kinh nghiệm kinh doanh từ bố mẹ và trau dồi thêm kiến thức từ các anh chị đang học ngành kinh tế”.
Thái Uyên cũng cho biết, để hoạt động đạt hiệu quả cao đòi hỏi nhóm phải thường xuyên đi thực tế để nghiên cứu thị trường, tuy nhiên những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến việc khảo sát, nghiên cứu tại các tỉnh gặp nhiều trở ngại.
Những giá trị “xanh”
Theo chia sẻ của nhóm, cái tên Cobtain là sự kết hợp giữa hai từ tiếng Anh, đó là Cob - lõi ngô và Obtain - nghĩa là đạt được một điều gì đó. Thông qua việc thu mua phế phẩm và tái chế nó, các bạn học sinh mong muốn sẽ góp phần vào việc bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng và tạo ra thu nhập cho xã hội.
    |
 |
Các thành viên của Cobtain. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Bạn Nguyễn Phúc Thạch Anh, phụ trách quản lý nhân sự của nhóm cho biết, ba mục tiêu phát triển bền vững mà Cobtain hướng đến, đó là: Không đói nghèo; tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm; hành động chống biến đổi khí hậu. Đối với mục tiêu không đói nghèo, chúng em đang nỗ lực cải thiện thu nhập cho người nông dân, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa thông qua việc thu mua lõi ngô. Mục tiêu tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm được thể hiện qua việc chúng em sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, tái chế phế phẩm nông nghiệp thành sản phẩm có ích trong đời sống. Cuối cùng, chúng em đang tích cực đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu thông qua việc giảm thiểu khí thải độc hại khi người dân đốt lõi ngô.
Thạch Anh cũng cho biết, theo tính toán, việc tái chế 26.000 tấn lõi ngô có thể ngăn chặn được 28 tấn CO2 thải vào khí quyển. Con số này có thể lên đến 10.000 tấn CO2 nhờ vào việc bán ra 9.000 tấn lõi ngô. Bên cạnh đó, để sản phẩm hoàn toàn thân thiện với môi trường, nhóm đã thay thế túi nhựa thông thường bằng túi đay.
Với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, giá trị thực tiễn cao, dự án tái chế lõi ngô của các bạn trẻ đã được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ. Vì vậy, mục tiêu lâu dài của Cobtain không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Bạn Thái Uyên chia sẻ: “Sắp tới bọn em sẽ cố gắng đi theo lộ trình đã đề ra từ đầu, đó là mở rộng kinh doanh trên khắp cả nước và xuất khẩu, trước mắt là hướng tới hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, chúng em còn mong muốn đầu tư 5% lợi nhuận vào các trang trại trồng nấm để sản xuất nấm sạch chuẩn hữu cơ, cũng như tạo cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập cho nông dân”.
LƯU PHƯƠNG ANH