Những gian hàng bày bán phong phú các chủng loại đồ dùng bằng nhôm, thiếc trải dài trên toàn con phố. Người thợ vẫn cần mẫn với công việc gò hàn, chỉ khác xưa kia là thay vì gò hàn thủ công, nay hầu hết người làm nghề này đã dùng máy móc thay thế.

leftcenterrightdel
Phố Hàng Thiếc ngày nay với phong phú các mặt hàng nhôm, tôn, thiếc, inox được sản xuất chủ yếu bằng máy móc.

Tên gọi phố Hàng Thiếc xuất phát từ nghề đúc thiếc, làm đồ gia dụng nhôm thiếc truyền thống của người dân nơi đây. Trước đây, nguyên liệu chính để gia công sản phẩm chủ yếu là thiếc, nhưng để thích ứng với nhu cầu phát triển, người làm thủ công ở phố Hàng Thiếc đã phát triển sang các loại nguyên liệu khác như sắt tây, tôn hoa, kẽm. Mặt hàng phổ biến là xô, chậu đựng nước, thùng gánh nước, hòm đựng quần áo, tủ thuốc, đèn dầu, cây nén, lư hương, ấm pha chè, khay đựng đồ uống chè, bao chè, chóp nón... Ngoài ra, còn có các loại đồ chơi trung thu cho trẻ nhỏ như tàu thủy, máy bay, đèn bướm, đèn quả đào, thỏ đánh trống... Ngày nay, chủng loại mặt hàng đã phát triển vô cùng phong phú, đa dạng để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân. Đa số thợ gò hàn nhôm thiếc hiện nay trên phố Hàng Thiếc đều là những người tầm tuổi trung niên, hoặc còn rất trẻ, thao tác thành thạo các máy móc chuyên dụng. Người mua có thể tìm thấy cho mình những sản phẩm gò hàn inox, nhôm, tôn… đủ chủng loại, từ đơn giản đến phức tạp một cách dễ dàng.

leftcenterrightdel
Cụ Nguyễn Văn Chức vẫn mong nghề gò hàn thủ công sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi đất nước mở cửa.

Trong số những người thợ say mê với nghề đúc thiếc xưa kia, có cụ Nguyễn Văn Chức, năm nay đã 80 tuổi, sinh ra và lớn lên trên con phố Hàng Thiếc. Cụ Chức theo nghề gò hàn nhôm thiếc đến nay là đời thứ ba. Các con cụ nay chỉ còn hai anh đang thay cha gìn giữ nghề truyền thống cho gia đình. Ông nội cụ Chức làm nghề này từ năm 1900. Mới đầu, mặt hàng chủ yếu là làm phễu tôn, sau đó là các loại thùng tưới nước, xô, chậu tôn…Dần dần mở rộng chủng loại sang các mặt hàng khác, mỗi đời lại phát triển thêm một mặt hàng mới. Xưa kia, mỗi cửa hàng trên phố là một gia đình. Những năm đó ít thợ nên công việc nhiều, những người thợ say mê nghề như chính miếng cơm, ngụm nước hàng ngày vậy. Bởi nghề không những là sự tự hào truyền thống gia đình, sự say mê, mà còn là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Ngày đó, nhu cầu của người dân chỉ đơn giản là những đồ gia dụng thông thường trong gia đình như xô, chậu, thùng cưới..., nhưng do làm thủ công nên người thợ cũng bận rộn cả ngày mới có thể hoàn thành hết đơn hàng.  Hiện nay, do sự phát triển của đất nước, hầu hết các sản phẩm đã được cơ giới hóa để tiết kiệm sức lao động và cho năng suất cao. Các mặt hàng phát triển vô cùng phong phú cả về hình thức lẫn chủng loại, có thể kể đến: Tủ, kệ inox, thùng chứa nước, toa hút khói, các loại nồi công nghiệp, cửa nhôm kính... Người ta không chỉ đặt đồ dùng gia đình, mà còn đặt những đơn hàng lớn cho các khách sạn, nhà hàng, khu công nghiệp…Vì vậy, người thợ thủ công sẽ khó đáp ứng kịp về mặt thời gian và số lượng, nhiều gia đình ba bốn đời làm nghề đã rất trăn trở với việc gìn giữ nghề truyền thống trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường.

leftcenterrightdel
Doa tưới nước là mặt hàng vẫn được đặt thủ công.

Xưa kia, gò hàn tôn, thiếc thường bằng than hoa, các công đoạn đều rất công phu và tương đối tốn thời gian. Nghề gò hàn cũng yêu cầu sự khéo léo của bàn tay người thợ. Ví dụ như để làm một chiếc phễu tôn thì người thợ sẽ phải mua nguyên liệu là tôn Pháp của những nhà buôn bán lớn về sản xuất. Chọn nguyên liệu xong thì phải chia công đoạn trên sản phẩm. Đối với một chiếc phễu thì người ta chia ra ba phần: Phần vành trên, phần thân và phần cuống. Sau đó họ tiến hành gò, đốt than hoa, cho vào mỏ hàn đồng, dùng thiếc, axit làm phụ gia cho quá trình hàn. Để được một sản phẩm tốt cũng cần có quá trình dài lâu. Khi truyền nghề, mỗi người lại có một ý tưởng hay, lâu dần họ tích lũy thành kinh nghiệm để cho ra một sản phẩm ưng ý nhất.

Hiện nay do máy móc đã thay thế nên các nghề thủ công dần mai một, những người làm gò hàn thủ công chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những sản phẩm không làm được bằng máy người ta mới tìm đến những người thợ thủ công. Ví dụ những gia đình có diện tích bé họ thường đặt thợ thủ công gia công để đạt được kích thước theo yêu cầu. Thông thường, một bể nước cho gia đình sẽ làm hết khoảng một ngày. Ngoài ra, người ta còn đặt thủ công các loại hộp bảo vệ máy bơm nước.

leftcenterrightdel
Ngôi nhà 33 phố Hàng Thiếc hiện nay vẫn có hai con trai của cụ Chức cần mẫn gìn giữ nghề cho gia đình.

Vẫn trăn trở níu giữ nghề truyền thống của gia đình, nhưng ông Chức cũng thật khó khăn khi phải đối diện với thực tế cái nghề “ráo mồ hôi là hết tiền, không làm giàu được”, thế nên, các con ông dù rất muốn cố gắng theo nghề, nhưng cũng phải suy tính rất nhiều.

Xã hội phát triển đi lên, việc cơ giới hóa trong mọi lĩnh vực sản xuất là điều tất yếu, việc níu giữ những nghề thủ công truyền thống đang gặp phải nhiều thách thức. Những thế hệ thợ gò hàn nhôm thiếc xưa kia cũng như những bậc cao niên đã chứng kiến sự thăng trầm của con phố nghề giờ cũng đều bước vào độ tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng họ vẫn mong một ngày nào đó, lửa nghề và tinh hoa nghề truyền thống sẽ được thế hệ sau đón nhận và phát huy.

Hy vọng, những người giữ lửa nghề gò nhôm thiếc truyền thống trên phố Hàng Thiếc sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát huy sự khéo léo, kinh nghiệm của mình, tiếp tục làm ra những sản phẩm tinh tế phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân. Sức sống của một con phố nghề bước vào thời mở cửa sẽ còn mãi với thời gian, như những tiếng gò đập rộn vang từ sáng sớm đến tối mịt của những người thợ cần mẫn.

Bài, ảnh: TƯỜNG VY