Nơi trải dòng ký ức

Mỗi người một nhành hoa trên tay, chúng tôi cùng các cựu chiến binh nguyên là sinh viên nhập ngũ của các trường đại học (ĐH) ở Hà Nội kính cẩn mặc niệm tưởng nhớ công ơn của những người lính sinh viên lên đường ra trận. Tượng đài một mầu trắng trinh nguyên như tâm hồn trẻ. Một chiếc mũ cối gắn quân hiệu sao vàng năm cánh, phía dưới là cuốn giáo trình đọc dở, tượng đài mang ý nghĩa: Các thầy giáo và sinh viên trai trẻ đã từng sống với những ước mơ lập nghiệp, đặt trang sách cao hơn cuộc đời và rồi họ đã gác lại tất cả để ra trận. Quảng trường C1 chính là nơi xuất phát của những đoàn quân thầy giáo và sinh viên các trường đại học Thủ đô tiến ra mặt trận.

leftcenterrightdel
 Những người lính sinh viên năm xưa cùng tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong chiến trường và thời hoa lửa

leftcenterrightdel

Các cựu chiến binh dâng hoa tại tượng đài "Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc" để tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống.

Trên tượng đài khắc lời đề tặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc".

Trong số hàng chục nghìn thầy giáo, sinh viên Thủ đô năm xưa ra trận, biết bao nhiêu người đã bỏ dở ước mơ, dâng xương máu tạc dáng hình Tổ quốc. Và hôm nay, lớp sinh viên lính chiến năm xưa: PGS, TS Nguyễn Dũng, Nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng, Thương binh ¾ Nguyễn Văn Lực, Dương Minh Tâm; Thượng tá Thương binh 4/4 Nguyễn Lương Thái, Nguyễn Trà Vinh; Cựu chiến binh Ngô Quang Năng, Ngô Minh, Trần Quang Anh… lại tề tựu dưới chân tượng đài, rưng rưng nhắc đến những người đồng đội đã mãi ra đi, bồi hồi khi nhìn thấy nam nữ sinh viên tíu tít cùng nhau bước vào giảng đường…

Chú Nguyễn Lương Thái (cựu sinh viên ĐH Bách khoa) nói: “Năm 1971, tôi, anh Lực và anh Dũng là sinh viên ĐH Bách Khoa nhập ngũ và được điều về làm lính thông tin (Đại đội 18, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95). Năm 1972, chúng tôi vào phục vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho tuyến lửa Thành cổ Quảng Trị, người còn sống tiếp bước người vừa ngã xuống, máu nhuộm đỏ sông. Có những đồng đội cùng trường đấy, nhưng cũng chỉ vừa gặp được một lần chưa kịp nói với nhau câu nào đã mãi mãi ly biệt. Anh bạn Lê Kim Diệt (cựu sinh viên ĐH Tổng hợp), người thì bé có 44 kilôgam mà vác balô to đùng, đựng toàn từ điển tiếng Nga, tiếng Anh”.

Ngoài những câu chuyện chiến tranh bi hùng trải dài cùng lịch sử dân tộc, sâu thẳm trong trái tim người lính chiến vẫn còn lưu lại những thước phim về tình yêu trong sáng. Không kiêu sa như hoa lan, hoa hồng, không nồng nàn như hoa nhài, hoa ly… mà tình cảm trai gái thời chiến e ấp, tinh khiết như loài hoa quỳnh, nở dịu dàng mà sâu đậm.

Chú Dương Minh Tâm, một chiến sĩ đặc công, nguyên sinh viên trường ĐH Sư phạm, nhớ lại: “Sau trận đánh ở Thành Cổ ngày 22-8-1972, tôi bị thương. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm ở Quân y Viện 4. Trước những cơn đau về thể xác, cô y tá tên Hạnh có lẽ là nguồn động viên duy nhất của chúng tôi. Hạnh thường đến đút cháo cho tôi ăn và hỏi chuyện Hà Tây quê lụa, quê hương tôi. Sau mỗi câu chuyện, ánh mắt Hạnh sáng lên và thường bảo: “Khi nào hết chiến tranh em sẽ về quê anh học nghề dệt lụa. Chúng tôi kín đáo trao cho nhau sự e thẹn, những ánh mắt quan tâm trong khi tay nắm tay. Lúc ấy, tôi thấy tim mình đập thình thịch. Vắng hình bóng Hạnh tôi thấy trong người nao nao nỗi nhớ! Còn Hạnh, mỗi lần đến đây lại nhanh chân bước về giường tôi, ánh mắt ngời hạnh phúc khi thấy vết thương lên da non. Tôi ngập chìm trong hạnh phúc vì sự quan tâm của Hạnh. Nhưng tôi nghĩ, chiến tranh vẫn còn dài, đời lính đặc công sinh tử bất kỳ, biết đâu?... Lúc ấy, ai sẽ có thể bù đắp cho em tình cảm? Ai sẽ xoa dịu được nỗi đau cho Hạnh? Nên tôi chỉ âm thầm và lặng lẽ khi bên Hạnh mặc dù biết chắc một điều Hạnh chính là liều thuốc giúp tôi mau lành vết thương”.

Mệnh lệnh trái tim giữa đời thường

Chú Nguyễn Văn Lực (cựu sinh viên ĐH Bách khoa) chia sẻ: “Những năm tháng chiến tranh đầy gian khó, đau thương là ký ức không thể nào quên trong lòng mỗi người lính. Những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi trên chiến tuyến chống quân thù, chúng tôi thường chia sẻ và đều chung ước mơ được trở về bên gia đình, được chăm sóc cha, mẹ và người thân khi quê hương không còn bóng giặc. Vậy mà, chỉ lát sau ước mơ của đồng đội cũng dang dở vì bom đạn kẻ thù”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Trà Vinh, Trần Quang Anh, Hoàng Văn Bình (từ phải qua trái) nói chuyện với nhau về kỷ niệm thời quân ngũ trước tượng đài 

Sau ngày thống nhất, những người lính sinh viên còn sống, trở về giảng đường xưa tiếp tục hoài bão trên hành trình tri thức. Rất nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường ĐH, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn… nhưng ai cũng canh cánh trong lòng ước mơ sum họp gia đình của những người đã ngã xuống. PGS, Tiến sĩ Nguyễn Dũng trao đổi: “Những người lính chúng tôi tự cảm thấy còn mang nặng trách nhiệm với đồng chí, đồng đội. Đồng đội ngã xuống để cho chúng ta được sống. Những anh linh liệt sĩ như tiếp bước và che chở cho chúng tôi trước bom, đạn chiến trường. Mỗi lần dâng hoa tượng đài, sợi dây trách nhiệm và tình đồng chí lại thắt chặt chúng tôi để thực hiện trách nhiệm từ trái tim đối với công tác tri ân cho trọn nghĩa vẹn tình”.

Vậy là, những người lính sinh viên trở về lại chung vai sát cánh trên trận chiến mới. Hễ gia đình ai gặp hoạn nạn, khó khăn, đều được mọi người dang rộng vòng tay chung vai nâng đỡ. Hơn thế nữa, họ còn tụ họp với nhau tổ chức nhiều hoạt động tri ân nghĩa tình giúp các gia đình chính sách nghèo vượt khó. Đặc biệt, bất kể thời gian nào, khi có thông tin, sự khẩn cầu hay lời gọi, những bàn chân lại in dấu chiến trường xưa để tìm, quy tập được hàng trăm hài cốt liệt sĩ về với quê hương, với gia đình. Thêm vào đó, các cựu chiến binh bằng tấm lòng tự nguyện góp quỹ để chi phí đi lại và hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sĩ. Họ có thể là cố sinh viên Sư phạm Đại tá Phạm Đình Hổ, tuy bị ung thư gan giai đoạn cuối, nhưng vẫn lên đường thuê xe đào bới theo sơ đồ mộ chí và tìm 4 đồng đội cùng là lính trinh sát Trung đoàn 95 trong năm 2008; hay PGS, Tiến sĩ Nguyễn Dũng tính đến nay đã tham gia quy tập được hơn 100 hài cốt liệt sĩ…

Mỗi một ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng, mỗi một hoàn cảnh khó khăn được nâng đỡ hay một liệt sĩ được cải táng tại quê nhà, là một lần những trái tim cựu lính sinh viên nhẹ bớt nỗi niềm đau đáu tri ân đồng đội đã ngã xuống. Tình đồng chí, sự đoàn kết, trách nhiệm của người lính sinh viên xưa cùng sự kính trọng, tôn vinh của thế hệ trẻ hôm nay đang thổi hồn sống cho tượng đài để trở thành một biểu tượng bất tử về tinh thần và phẩm chất của thế hệ xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ.

Bài, ảnh: THÙY DƯƠNG