Được biết, đây là chế độ kiểm tra thường xuyên của Ban CHQS huyện trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Với đặc thù là huyện nằm giữa hai con sông (sông Hồng và sông Đuống) chảy qua, có nhiều làng nghề sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, gốm sứ, đồ da, hàng vải nên có nguy cơ cao về ngập úng, cháy nổ. Chính từ việc chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa nên cả năm 2018 và quý 1 năm 2019, toàn huyện đã không để xảy ra tình huống bất ngờ công tác PCTT-TKCN.
Với phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng cứu nhanh, hiệu quả, Ban CHQS huyện đã thực hiện tốt chức năng tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện kiện toàn Ban chỉ đạo PCTT-TKCN. Chỉ đạo các ban CHQS cơ sở chủ động rà soát, bổ sung kế hoạch PCTT - TKCN, duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ, trực phòng, chống lụt bão, bảo đảm đầy đủ vật chất, lực lượng, phương tiện cho nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Ban CHQS huyện còn đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị: Hệ thống chiếu sáng ban đêm, hệ thống ICOM chống nước, ủng cao su liền quần, máy khoan cắt bê tông... Tổ chức tập huấn, diễn tập cho gần 3.000 lượt người về công tác PCTT-TKCN, luyện tập thuần thục lái xuồng, cứu nạn trên sông cho 100% cán bộ, nhân viên cơ quan quân sự huyện.
“Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với đài phát thanh của huyện, UBND các xã, thị trấn, khu công nghiệp, tổ chức tuyên truyền hơn 500 lượt về công tác PCTT-TKCN, vì thế, nhận thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt" - Thượng tá Nguyễn Khắc Đạm, Chính trị viên Ban CHQS huyện Gia Lâm chia sẻ.
Ngoài nội dung tuyên truyền, Ban CHQS huyện Gia Lâm còn cử cán bộ hướng dẫn nhân dân xử lý các tình huống trong PCTT-TKCN, như: Khi người dân ra đường bị ngập lụt phải cẩn trọng để tránh bị sa vào các miệng cống không đậy nắp; khi có người bị điện giật, phải ngắt cầu dao điện, đẩy nạn nhân khỏi vật dẫn điện bằng ghế gỗ, sào tre; cách sử dụng bình bọt chữa cháy; kinh nghiệm chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền trên sông... Ban CHQS huyện còn thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với công an nắm tình hình địa bàn, chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ các xã, thị trấn: Yên Viên, Phù Đổng, Trung Mầu, Lệ Chi, Đặng Xá, Cổ Bi, Đông Dư, Văn Đức, Bát Tràng, Dương Xá, Kiêu Kỵ... tuần tra các tuyến đê xung yếu, các điểm dễ xảy ra cháy, nổ như kho, xưởng, cơ sở chứa hóa chất, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để có biện pháp phòng ngừa và xử lý.
Nhờ làm tốt việc nắm tình hình thiên tai, sự cố, tổ chức lực lượng, phương tiện TKCN kịp thời, LLVT huyện Gia Lâm luôn chủ động ứng phó trước mỗi mùa mưa, bão, không bị động bất ngờ với các tình huống.
NGUYỄN VĂN TUÂN