Bồi dưỡng, phát triển và hoàn thiện nhân cách, nâng cao bản lĩnh chính trị, tác phong công tác cho lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) là khâu căn bản, trung tâm. Để đạt được mục đích, yêu cầu này, đòi hỏi người cán bộ làm công tác giảng dạy chính trị cần có trình độ, chuyên môn và năng lực thực tiễn.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Triển, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cho biết: “Giáo dục chính trị là hình thức cơ bản của công tác tư tưởng, văn hóa, nội dung chính của nhiệm vụ huấn luyện DQTV. Đội ngũ giảng dạy chính trị tại cơ sở phải có chuyên môn vững, kỹ năng sư phạm và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính trị tốt”.

Xác định rõ nhiệm vụ này, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ giảng dạy ở cấp mình. Tùy theo tình hình thực tế tại đơn vị công tác, các đồng chí làm nhiệm vụ giảng dạy chính trị được trang bị những kiến thức, kỹ năng căn bản để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ các hội thi cấp cụm, cấp cơ sở, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã lựa chọn được 26 đồng chí là chính trị viên, chính trị viên phó ban CHQS xã, phường, thị trấn có thành tích tốt để tham gia Hội thi Cán bộ giảng dạy chính trị lực lượng DQTV năm 2020.

leftcenterrightdel
Các thí sinh làm bài thi nhận thức.

Đến với hội thi năm nay, các thí sinh đều chuẩn bị tốt về nội dung cũng như phương pháp giảng dạy. Giáo án được biên soạn chi tiết, bài giảng điện tử được phê duyệt theo Quy chế giáo dục chính trị trong quân đội và DQTV Việt Nam. Nhiều thí sinh vận dụng phương pháp giảng dạy sáng tạo như sử dụng tài liệu, sơ đồ, mô hình, tranh vẽ, băng đĩa tư liệu. Ban tổ chức yêu cầu các thí sinh phải sử dụng máy tính để trình chiếu. Sau khi giảng bài, ban giám khảo sẽ đưa ra câu hỏi phụ để làm rõ nội dung bài giảng.

Với lợi thế làm việc trong môi trường sư phạm, Nguyễn Văn Lành, Chính trị viên phó Ban CHQS Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Ban CHQS quận Đống Đa) thao tác thuần thục các ứng dụng trên máy tính để giảng dạy chính trị. Giáo án được chuẩn bị khoa học với kết cấu mạch lạc giúp người học dễ hiểu, dễ tiếp thu. Chỉ trong 20 phút thực hành giảng bài, đồng chí Nguyễn Văn Lành đã khái quát nội dung chính và nguyên tắc của công tác tuyên huấn, quy chế công tác giáo dục chính trị...

Là người gắn bó với công tác giáo dục chính trị tại cơ sở, đồng chí Hoàng Trung Kiên, Chính trị viên phó Ban CHQS xã Yên Bình (Ban CHQS huyện Thạch Thất) tự tin khi đứng lớp. Thông qua các ví dụ thực tiễn tại đơn vị mình, đồng chí đã giúp người nghe nắm vững nội dung bài giảng, giải quyết tốt các tình huống công tác tư tưởng, công tác quản lý kỷ luật, một số nội dung về chế độ chính sách đối với quân nhân.

Thượng tá Nguyễn Văn Hữu, Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, chia sẻ: “Qua hội thi lần này, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã nắm được thực trạng chất lượng đội ngũ giảng dạy chính trị để có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng. Đây cũng là dịp để các xã, phường, thị trấn nhân rộng, phổ biến cách làm hay trong tổ chức quản lý, thực hành giảng dạy chính trị”. 

Các thí sinh đã nắm chắc những nội dung cơ bản trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và những vấn đề cơ bản giải quyết tình hình tư tưởng, quản lý kỷ luật, các bước, quy trình chuẩn bị giáo án, bài giảng. Trong thực hành giảng bài, các thí sinh thể hiện bản lĩnh và năng lực giảng dạy chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa lời nói và cử chỉ, ngữ điệu linh hoạt, hài hòa, tạo được sự thuyết phục đối với người học. 100% thí sinh đạt kết quả giỏi. Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã trao bằng khen tặng 1 giải Nhất cho đồng chí Phạm Thị Thúy, Chính trị viên Ban CHQS xã Duyên Hà (Ban CHQS huyện Thanh Trì); 1 giải Nhất cho đồng chí Nguyễn Văn Lành, Chính trị viên phó Ban CHQS Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Ban CHQS quận Đống Đa) và 14 giấy khen cho các thí sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bài, ảnh: TUẤN NAM