Trung tướng Vương Thừa Vũ, tên thật là Nguyễn Văn Đồi quê ở làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ông được giao nhiệm vụ tiếp quản, phụ trách tổ chức và chỉ huy lực lượng Bảo an binh ở Hà Nội. Cuối năm 1945, Trung tướng Vương Thừa Vũ rời Hà Nội đi làm công tác huấn luyện quân sự tại Sơn Tây. Gần một năm sau, khi đang dẫn học sinh quân đi tập dã ngoại, ông nhận được điện yêu cầu về gấp và được đồng chí Trường Chinh trực tiếp giao nhiệm vụ ngay trong cuộc họp quan trọng của Thường vụ Trung ương Đảng ở “dinh tổng đốc Hà Đông” trưa 15-10-1954: “Giặc Pháp đang ráo riết chuẩn bị, trước sau thế nào nó cũng đánh ta. Trung ương giao cho đồng chí làm Khu trưởng Khu 11 (quân khu đặc biệt Hà Nội), tổ chức chuẩn bị sẵn sàng đề phòng chúng trở mặt gây chiến”.
Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ (bên phải) và đồng chí Trần Duy Hưng trong ngày tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu
Lúc này, cuộc thế ở Hà Nội diễn ra hết sức căng thẳng. Phía Pháp tìm mọi biện pháp chính trị lẫn thủ đoạn quân sự để tái chiếm, cầm quyền trở lại. Ta cố gắng bình tĩnh, khôn khéo, kéo dài thời gian để xây dựng lực lượng, chuẩn bị bước vào cuộc chiến vệ quốc khó tránh khỏi. “Tháng 11-1946, không khí thủ đô Hà Nội đã trở nên vô cùng căng thẳng. Quân Pháp tổ chức ngày càng nhiều những cuộc diễu binh thị uy trên các đường phố và nhiều cuộc tập trận giả chiến thuật tấn công ở các vườn hoa Hà Nội. Chúng vẫn âm mưu dùng áp lực quân sự bắt ta phải nhượng bộ từng bước và cuối cùng phải đầu hàng, nếu không, một màn kịch xâm lăng chớp nhoáng và tàn bạo sẽ xảy ra...”- Trung tướng Vương Thừa Vũ kể tỉ mỉ những ngày căng thẳng trước giờ nổ súng 19-12-1946 trong cuốn Hà Nội 60 ngày khói lửa (viết năm 1964). Đỉnh điểm sự kiện này được ông tường thuật: “Không khí ngột ngạt của ngày 17-12 chưa tan thì ngày 18-12 giặc Pháp lại nã súng bắn vào nhân dân phố Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân. 6 giờ 40 phút, lính lê dương lại đến bao vây trụ sở công an Hàng Đậu. 2 giờ chiều, quân Pháp chiếm đóng Nha tài chính và trụ sở Bộ giao thông. Đến 21 giờ 15 phút ngày 18-12, quân Pháp gửi tối hậu thư cho chính phủ ta đòi tước vũ khí Vệ quốc đoàn, tự vệ, công an và đội trật tự an ninh trong thành phố. Nếu sáng 20-12-1946, những điều kiện đó không được chấp thuận thì quân đội Pháp chuyển sang hành động”.
Tình hình diễn biến phức tạp làm cho không khí Hà Nội thêm căng thẳng, khẩn trương. Hà Nội chuẩn bị đi vào cuộc chiến đấu mới một cách tích cực và cụ thể hơn. Ngày đêm các gia đình trong các khu phố khẩn trương thu xếp nhà cửa để sơ tán. Hầu hết khi ấy đều lựa chọn những cơ sở, họ hàng có điều kiện giúp đỡ trông nom được các cụ già, cháu nhỏ tránh những tình huống phức tạp có thế nguy hại đến tính mạng. Các nhà máy xí nghiệp chuyển máy móc, nguyên liệu ra ngoài thành phố, các cơ quan chính phủ chuyển dần lên căn cứ địa Việt Bắc, nhân dân, chủ yếu là người già và trẻ em- những ngươi không trực tiếp tham gia chiến đấu được tản cư về nông thôn với suy nghĩ “tản cư là yêu nước”. Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội bình tĩnh tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng trước khi vào cuộc chiến. Những người phải ra đi nhanh chóng rời thành phố, những người ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô lao vào hoàn thành công việc chuẩn bị, sẵn sàng đánh địch bất cứ lúc nào. Những đường hào, ụ súng, chướng ngại vật tự tạo được quân và dân Hà Nội bằng mọi phương tiện bố trí ở khắp mọi nơi, cả công khai và bí mật khiến kẻ địch không kịp trở tay.
Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ đích thân đến các khu phố để xem các đơn vị tự vệ chuẩn bị chiến đấu. Một hôm, nhân đi quan sát vị trí đóng quân của địch bảo vệ nhà viên tướng Moóc-li-ê ở phố Hàng Trống (nay là tòa soạn báo Nhân Dân), hỏi chuyện một anh đội trưởng đội tự vệ, nghe anh trình bày ý định chuẩn bị tác chiến với những hố đứng ngang người đào trong nhà, các lỗ đục dang dở dưới chân các bức tường…, ông chợt nghĩ ra hướng chuẩn bị tích cực cho thành phố đi vào chiến đấu, kìm giữ chân địch trong Hà Nội không cho chúng mở rộng chiến tranh ra ngoài.
Sau khi báo cáo phương án với Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và được thông qua, thế trận ‘trong đánh, ngoài vây” (trùng độc chiến) kết hợp nhiều cách đánh thiên biến vạn hóa của chiến tranh nhân dân, Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ cùng quân dân Thủ đô đã lập nên kỳ tích: bằng một lực lượng vũ trang non trẻ đã chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân đội quân chính quy đông khoảng 6500 binh sĩ của Pháp trong thành phố suốt 60 ngày đêm (gấp đôi thời gian quy định), với cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô, đã tạo điều kiện cho cả nước triển khai chiến lược trường kỳ kháng chiến cho đến ngày toàn thắng.
Sau này, khi cùng Đại đoàn 308 về Thủ đô, ông đã cùng với đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy Ban hành chính Hà Nội tổ chức lực lượng, tiếp quản Thủ đô. Và như lời kể của Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Trung đội phó Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ Đô-người trong những ngày toàn quốc kháng chiến đã chiến đấu dưới sự Chỉ huy của Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ, kể lại: 60 ngày đêm chỉ huy Mặt trận Hà Nội, ông luôn luôn theo dõi sát sao hằng ngày, hằng giờ từng trận chiến đấu của quân dân ba liên khu để có những quyết định kịp thời, điều động các tiểu đoàn vệ quốc đoàn vừa chặn, vừa đánh, vừa tiêu hao địch bằng chiến thuật hết sức sáng tạo, thần diệu “hóa chỉnh vi linh” trên địa bàn các phố cổ, phố “Tây”, các cửa ô và làng xã ngoại thành... Chính từ hiệu quả của nghệ thuật “trùng độc chiến” mà các lực lượng của ta đã giam chân địch tại Hà Nội lâu hơn dự kiến; sau đó tổ chức rút lui an toàn bảo toàn lực lượng.
SONG THANH