QĐND Online – Làng lụa Vạn Phúc đã có từ hơn 1.000 năm nay và từ lâu, lụa Vạn Phúc đã trở thành món quà lưu niệm của Hà Nội được du khách cả trong lẫn ngoài nước yêu thích. Lụa Vạn Phúc có nhiều ưu điểm như mềm, nhẹ, bóng; mùa hè mặc mát, không đượm mồ hôi. Theo các chuyên gia thì lụa Vạn Phúc còn có thể chống được tia cực tím. Với bề dày lịch sử như vậy, ngày 14-2-2014, Trung tâm sách kỉ lục Việt Nam đã công nhận làng Lụa Vạn Phúc là “Làng nghề dệt Lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay”. Đây là niềm vinh dự tự hào của người dân làng nghề Vạn Phúc. Lụa Vạn Phúc đã trở thành sản phẩm của văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông, của quê hương Việt Nam.
Năm 2013, UBND Thành phố Hà Nội đã công nhận làng lụa Vạn Phúc là Điểm du lịch làng nghề của Thành phố. Xây dựng làng lụa Vạn Phúc trở thành điểm du lịch làng nghề của Thủ đô là trọng tâm ưu tiên đầu tư phát triển của quận Hà Đông và Thành phố Hà Nội.
 |
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc luôn trăn trở tìm hướng phát triển cho làng nghề truyền thống đã có từ hơn nghìn năm nay. |
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết: “Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hiện nay với khoảng 400 hội viên. Một trong những khó khăn của làng lụa Vạn Phúc hiện nay đó là nguyên liệu sản xuất. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho các hộ gia đình sản xuất hiện nay chủ yếu nhập nguồn tơ từ Lâm Đồng. Giá cả nguyên liệu lại theo thời vụ, vì vậy rất bấp bênh không ổn định nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất”. Thêm nữa, các sản phẩm dệt may với mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, đặc biệt là những sản phẩm của Trung Quốc đang dần khiến sản phẩm lụa Vạn Phúc mất dần thị phần. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ làng lụa Vạn Phúc hiện nay không còn mặn mà với nghề truyền thống của quê hương. Theo anh Nguyễn Anh Sơn, chủ cơ sở sản xuất lụa cao cấp Lan Sơn Silk, giới trẻ hiện nay không còn tha thiết hay tâm huyết nhiều với nghề do nghề không nuôi sống được người, do cạnh tranh thị trường.
Để khắc phục những khó khăn trên, Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã chủ động tham gia các cuộc hội thảo và hội chợ giới thiệu sản phẩm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống ở cả trong và ngoài nước để quảng bá và giới thiệu sản phẩm lụa Vạn Phúc. Hiệp hội còn định hướng hội viên cần đa dạng mẫu mã chủng loại, đưa thương hiệu lụa Hà Đông vào từng mảnh vải dệt để khẳng định giá trị sản phẩm. Hiệp hội mong muốn lụa Vạn Phúc sẽ luôn giữ được thương hiệu và là niềm tự hào của không chỉ người dân thủ đô mà còn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
 |
Sản phẩm lụa Vạn Phúc luôn được các du khách lựa chọn là món đồ lưu niệm khi tới thăm Việt Nam. |
“Một sự kiện đáng chú ý trong chiến lược bảo tồn, khôi phục và phát triển thương hiệu lụa Vạn Phúc đó là việc xây dựng Trung tâm kinh doanh sản phẩm lụa Vạn Phúc với các gian hàng trưng bày sản phẩm lụa truyền thống. Dự án đã được phê duyệt và sắp đi vào hoạt động. Đây sẽ là khu trưng bày giới thiệu và bán 100% các sản phẩm lụa Vạn Phúc và kích cầu sản xuất địa phương.” Ông Hà nhấn mạnh.
Ông Phạm Khắc Hà cũng cho biết thêm, Thành phố Hà Nội cũng như quận Hà Đông đã có nhiều biện pháp để bảo tồn và phát triển làng nghề lụa Vạn Phúc như: Mở lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề thợ dệt; hỗ trợ kinh phí, đầu tư mua máy làm hoa văn, sản xuất nhiều mẫu mã hơn. Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cũng rất quan tâm tới việc tôn vinh các Nghệ nhân thợ giỏi trong địa phương, đã có nhiều cống hiến cho nghề dệt. Ông Hà hy vọng, vùng sản xuất nguyên liệu sẽ sớm được quy hoạch, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất bền vững của làng nghề. Để người dân Vạn Phúc yên tâm về nguồn cung nguyên liệu, đồng thời có thêm những sáng kiến để tìm hướng phát triển cho sản phẩm.
Tới đây, Hà Nội sẽ tăng cường phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống, trong đó lụa Vạn Phúc là điểm đến. Tin rằng thương hiệu lụa Vạn Phúc sẽ góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, đất nước Việt Nam mến khách, giàu bản sắc văn hóa truyền thống tới bạn bè quốc tế.
Bài, ảnh: ĐẶNG LOAN