QĐND Online - Gặp Kiều Anh tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, tôi ấn tượng bởi vẻ xinh đẹp, tươi trẻ của cô gái 20 tuổi đời nhưng đã có 14 năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật ca trù. Thuộc thế hệ thứ 7 nối tiếp truyền thống ca trù của gia tộc, ca nương Kiều Anh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả cả nước qua nhiều chương trình như: “Tìm kiếm tài năng Việt 2013” (Vietnam’s Got Talent 2013), “Giai điệu tự hào”...

 Kiều Anh khi biểu diễn ca trù

Khổ luyện từ năm 6 tuổi 

Ca nương Kiều Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 7 đời tham gia giáo phường ca trù Thái Hà nổi tiếng bậc nhất đất Hà Thành nên từ rất sớm cô đã bén duyên với môn nghệ thuật này. Năm lên 6 tuổi, Kiều Anh được ông nội - nghệ nhân ca trù nổi tiếng Nguyễn Văn Mùi và cô ruột - nghệ nhân Thúy Hòa dạy hát những câu ca trù đầu tiên, ban đầu chỉ là những nhịp phách, sau đó vừa tập đánh vần vừa hát.

Kiều Anh chia sẻ: “Hồi đó còn bé, bản thân tôi chưa thật sự yêu thích ca trù, tôi chỉ thích hát những bài thiếu nhi như bao bạn cùng trang lứa. Nhưng khi học được một năm, được đứng trên sân khấu biểu diễn và nhận được sự cổ vũ của mọi người thì tôi bắt đầu cảm thấy yêu thích ca trù từ lúc nào không biết.

Ca trù là một loại hình âm nhạc đòi hỏi người học ngoài sự chịu khó, đam mê thì cần có năng khiếu để đảm bảo kỹ thuật nhất định. Đối với một đứa bé 6 tuổi thì lại càng khó khăn hơn bởi giọng yếu và không thể lên cao được. Kiều Anh cho biết, với mong muốn giữ gìn loại hình âm nhạc truyền từ đời này qua đời khác nên ông nội rất nghiêm khắc trong việc hướng dẫn các cháu học hát. Lúc đầu, chỉ làm quen bằng việc tập hát những câu ngắn, chưa đòi hỏi cao về kỹ thuật. Sau một thời gian, người học phải học thuộc 5 khổ đàn và 5 khổ phách trong một buổi vì trong ca trù, ca nương vừa hát vừa phải gõ phách trong lúc biểu diễn. Nếu không biết kết hợp đúng thì giọng hát và nhịp gõ phách không đồng nhất. Hơn nữa, lời bài hát viết bằng tiếng Hán, để thuộc lời bài hát thì trước hết phải hiểu được nghĩa đen và nghĩa bóng của ca trù. 

 Ca nương Kiều Anh học đàn tranh từ năm lên 9 tuổi

Nhưng, đó chưa phải là khó nhất, khó học nhất trong ca trù là nảy hạt – tức ngân tiếng hát không liên tục mà ngân ngắt đoạn. GS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam đã từng nói rằng, nảy hạt trong ca trù giống như hạt trân châu rơi xuống mâm vàng, rất trìu tượng nên người học muốn nảy hạt được thì phải học trong thời gian dài, sau đó nảy hạt sẽ tự có giống như bản năng. Kiều Anh chia sẻ: “Đây là một kỹ thuật rất khó, muốn thuần thục và đạt được chuyên môn đòi hỏi người học phải kiên trì. Nhiều lúc, em cũng cảm thấy nản lòng nhưng nhờ mọi người trong gia đình tận tình chỉ dạy nên em lại cố gắng”.

Bằng sự kiên trì và say mê luyện tập, năm 7 tuổi, ca nương Kiều Anh đã đứng trên sân khấu biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội và cùng năm đó, Kiều Anh nhận được phần thưởng là học bổng của Pháp dành cho những học sinh có thành tích đặc biệt trong học tập và biểu diễn văn nghệ. Kiều Anh nhớ lại: Lúc đó em vừa run vừa hồi hộp, sợ sẽ bị mọi người chê cười khi mình cất tiếng hát. Nhưng rất may mắn vì khán giả tỏ ra khá hài lòng, tiếng vỗ tay ủng hộ của khán giả ngày hôm đó là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với em. Nhờ những buổi biểu diễn đó, em nhận thấy mình ngày càng yêu thích và mong muốn đi theo nghiệp ca trù của gia đình.

Mong muốn đem ca trù đến gần với công chúng

Mặc dù còn trẻ nhưng bảng thành tích của Nguyễn Kiều Anh lại không nhỏ chút nào. Năm 10 tuổi, tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc lần I và ngay lập tức Kiều Anh đã giành được huy chương vàng. Năm 2009, niềm vui lớn đến với gia đình khi cô đoạt giải A Liên hoan Dân ca toàn quốc và một số giải vàng tại các cuộc thi do TP Hà Nội tổ chức.

Hiện nay Kiều Anh vẫn theo đuổi nhạc world-music để tạo nên sự phá cách trong biểu diễn ca trù, đưa loại hình âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ 

Gần đây, Kiều Anh là một trong những ca sĩ trẻ tuổi nhất trong đoàn nghệ sĩ người Việt đầu tiên được sang Pháp theo lời mời của nước bạn biểu diễn ca trù tại Nhà hát Paris. Ngoài ra, Kiều Anh còn được đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới như: Đức, Ý, Thụy Sĩ, Trung Quốc...

Theo ca nương Kiều Anh, một số học sinh hiện nay hầu như không thích âm nhạc truyền thống, mà thích chỉ thích K-pop, nhạc trẻ. Vì thế, khi may mắn được hợp tác với nhạc sĩ Quốc Trung, chị đã mạnh dạn kết hợp ca trù với nhạc world – music để tạo nên sự phá cách trong biểu diễn ca trù, đưa loại hình âm nhạc truyền thống vốn bị coi là “khó nghe” này đến gần với khán giả trẻ. Thông thường khi biểu diễn ca trù truyền thống, ca nương phải có sự hỗ trợ của đàn đáy, trống chầu nhưng khi ca trù kết hợp với nhạc word – music thì ca nương sẽ trình bày ca trù trên nền nhạc hiện đại. Cách trình diễn này sẽ giúp cho khán giả trẻ thấy gần gũi và dễ tiếp nhận hơn. Kiều Anh mong muốn các bạn trẻ Việt Nam sẽ biết đến và đón nhận ca trù. 

Để thực hiện mong muốn đó, ca nương Kiều Anh đưa ca trù đến với mọi người bằng cách tìm đến sân chơi “Tìm kiếm tài năng Việt”, "Giai điệu tự hào". Tại chương trình Vietnam’s Got Talent 2013, Kiều Anh đã khiến tất cả khán giả bất ngờ khi đã làm mới ca khúc quen thuộc “Đò đưa” trên nền nhạc world–music. Tiết mục độc đáo của cô đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Dù không đoạt giải quán quân tại Vietnam’s Got Talent, song sự đón nhận của công chúng đã khiến cho Kiều Anh thêm vững tâm vào con đường mình đã lựa chọn. Hiện tại, Kiều Anh ngoài việc đi diễn ca trù truyền thống cùng với gia đình, cô vẫn miệt mài theo đuổi thể loại world music. “Trong tương lai, như mọi nghệ sĩ khác, Kiều Anh mong muốn được thể hiện sự sáng tạo và sẽ cho ra một sản phẩm âm nhạc - một album theo thể loại world music. Trong album đó sẽ có những ca khúc của nhạc sĩ Quốc Trung, có ca trù, chèo...”, Kiều Anh chia sẻ.

Sau bao năm hoạt động nghệ thuật, Kiều Anh đã thấu hiểu rất rõ nỗi vất vả của nghệ nhân ca trù. Điều Kiều Anh suy nghĩ hơn cả là nhịp sống hiện đại với bao loại hình âm nhạc trẻ trung, sôi động đã khiến khán giả không còn mặn mà với ca trù. Dù hiện nay, tên tuổi của ca nương Kiều Anh đã được nhiều người biết đến nhưng cô luôn suy nghĩ làm sao để quảng bá được loại hình nghệ thuật ca trù đến với đông đảo công chúng.

THÚY NGUYỄN