QĐND - Danh họa Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977) sinh ra trong một gia đình Nho học nổi tiếng ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Cha ông là Nguyễn Đỗ Mục (1882-1951) đỗ tú tài đời vua Duy Tân; là một nhà văn, nhà báo và một dịch giả nổi tiếng với những bản dịch như: “Đông Chu liệt quốc”, “Tây sương ký”, “Thủy hử”, “Vô gia đình”... 

Danh họa Nguyễn Đỗ Cung có nhiều đóng góp cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đến khi trưởng thành, Nguyễn Đỗ Cung đã không nối nghiệp cụ Nguyễn Đỗ Mục theo nghiệp chữ nghĩa mà lại đeo đuổi ước mơ làm họa sĩ. ông học khóa 5 (1929-1934) Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Ra trường, ông dạy vẽ ở nhiều trường tư thục tại Hà Nội và Huế. Thời kỳ này, ngoài vẽ tranh thì Nguyễn Đỗ Cung là họa sĩ hiếm hoi đã sớm viết nhiều bài phê bình mỹ thuật sâu sắc như: “Tranh vẽ bằng sơn ta”, “Những sự cải cách của Trường Mỹ thuật Đông Dương”, “Cái hiếm có đáng quý không?”...

Khi Hội Văn hóa Cứu quốc ra đời, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung nhiệt tình tham gia các hoạt động. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I. ông cùng với một số họa sĩ khác được Chính phủ cách mạng giao cho nhiệm vụ vẽ tiền giấy do Bộ Tài chính phát hành trong cả nước. Nguyễn Đỗ Cung cũng là một trong ba nghệ sĩ được vào Phủ Chủ tịch trực tiếp vẽ và nặn tượng Bác Hồ.

Tháng 11-1946, Nguyễn Đỗ Cung tham gia đoàn quân Nam tiến. Đến khi chiến sự lan rộng, ông tình nguyện ở lại vùng Liên khu 5. Khi đó, Liên khu 5 được Chính phủ cho phép phát hành tín phiếu-ngang giá tiền tài chính để phát hành tại chỗ nên ông được giao nhiệm vụ vẽ giấy bạc, vẽ tín phiếu. ông còn mở nhiều lớp dạy vẽ ngắn ngày góp phần xây dựng được một đội ngũ họa sĩ có tiếng về sau như: Đường Ngọc Cảnh, Vũ Trung Lương, Nguyễn Thế Vinh, Trương Qua, Hồ Quảng…

Năm 1949, Nguyễn Đỗ Cung chuyển ra miền Bắc công tác ở Tiểu ban Văn nghệ Trung ương. Thời kỳ này, ông đã giới thiệu một số tác phẩm vẽ tại chiến trường như: “Du kích tập bắn”, “Làm kíp lựu đạn”, “Cuộc họp”... bằng chất liệu bột màu với bút pháp và cách nhìn mạnh bạo, chất màu trong trẻo. Với những bức tranh này, Nguyễn Đỗ Cung đã khẳng định vị trí là họa sĩ hàng đầu của mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Sau khi hòa bình lập lại, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung nhận trách nhiệm lãnh đạo Viện Mỹ thuật và xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ngoài việc sưu tầm các tác phẩm, ông còn có công xây dựng một hệ thống trưng bày khoa học, giúp công chúng thấy được sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ. Trước khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật ra đời, chưa hề có sự xuất hiện của một tổ chức, trung tâm nghiên cứu thực sự nào về mỹ thuật Việt Nam. Qua đó, khẳng định vai trò, đóng góp và công lao to lớn mà họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã cống hiến cho nền mỹ thuật nước nhà. Những đóng góp của ông không chỉ ở việc nghiên cứu, giới thiệu về nền mỹ thuật Việt Nam mà ông còn là một người thầy của rất nhiều thế hệ nhà nghiên cứu, nhà phê bình mỹ thuật Việt Nam.

Những năm cuối đời, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẫn tiếp tục làm việc hăng say. Trong thời gian này, ông đã để lại cho nền mỹ thuật nước nhà rất nhiều tác phẩm có giá trị như: “Học hỏi lẫn nhau”, “Tan ca mời chị em ra họp thi thợ giỏi”-bức tranh sơn dầu đã đoạt giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976…

Ngày 22-9-1977, danh họa Nguyễn Đỗ Cung mất tại Hà Nội, để lại niềm tiếc thương cho mọi người. Để ghi nhận những đóng góp của danh họa Nguyễn Đỗ Cung cho nền mỹ thuật, Nhà nước đã tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (1996).

Bài và ảnh: HÀM ĐAN