QĐND Online - Xung quanh Hà Nội, dọc theo hai bên bờ bãi sông Hồng, có những thôn làng mà cuộc sống của người nông dân nơi đây đang ngày một giàu lên nhờ rau xanh. Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội là một địa chỉ như vậy khi người dân địa phương đã biết tận dụng đất phù sa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện dự án trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap dưới sự hỗ trợ của thành phố, mang lại thu nhập cao.

Mô hình chuyên canh rau an toàn

Theo ông Đàm Văn Thìn, Phó chủ tịch UBND xã Tráng Việt, trước khi trở thành làng chuyên canh rau củ, đất bãi của người dân thôn Đông Cao còn nhiều diện tích bị bỏ trống bởi người dân nơi đây chủ yếu làm nghề trồng dâu nuôi tằm, hiệu quả kinh tế thấp, nên bà con không mặn mà với việc đồng áng, thậm chí còn có nhiều hộ dân bỏ ruộng. Sau khi có định hướng của đại hội Đảng bộ xã (nhiệm kỳ 2004-2008), các cấp chính quyền địa phương đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng dâu nuôi tằm sang mô hình trồng rau củ an toàn trên đất bãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đàm Văn Thìn, Phó chủ tịch UBND xã Tráng Việt giới thiệu cây củ cải-loại cây chủ lực cho năng suất cao tại địa phương.

Ban đầu, chỉ vài hộ dân mạnh dạn đầu tư khoan giếng, cải tạo đất bãi, đến nay toàn bộ thôn Đông Cao đã có diện tích 220 héc-ta đất canh tác trồng rau củ theo vụ trên đất bãi. 80% diện tích đất bãi của làng Đông Cao trồng loại củ cải đường nhập giống từ Hàn Quốc và Nhật Bản cho năng suất rất cao. Đất phù sa màu mỡ kết hợp với những kinh nghiệm chuyên canh của người dân làm cho loại củ này phát triển tốt, trở thành loại rau chủ lực của mỗi hộ gia đình.

Để có được những sản phẩm rau an toàn, người dân thôn Đông Cao phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ việc cày ải đất, dùng phân mục để bón đất, phun thuốc trừ sâu theo quy trình, hướng dẫn của Chi Cục bảo vệ thực vật (không được phun những loại thuốc trừ sâu ngoài luồng). Để có nguồn nước tưới, 100% hộ nông dân sử dụng nước giếng khoan, tại mỗi đầu ruộng của từng hộ đều có giếng khoan để đảm bảo nguồn nước sạch, vệ sinh phục vụ việc tưới tiêu cho các loại rau màu.

Ông Lương Văn Hùng, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thôn Đông Cao, xã Tráng Việt cho biết: Rau an toàn Đông Cao đã được Chi Cục bảo vệ thực vật cấp tem nhãn mác, Đông Cao chịu trách nhiệm các sản phẩm gắn tem mác của mình. Khi các nhà hàng, hoặc các doanh nghiệp tìm đến mua và đặt vấn đề, lúc đó hợp tác xã sẽ gắn tem nhãn đến địa chỉ từng hộ gia đình là sản xuất rau và đóng dấu ngày tháng thu hoạch để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Giàu lên từ sản xuất rau an toàn

Khác với những địa chỉ trồng rau an toàn trên địa bàn Hà Nội, ở thôn Đông Cao hợp tác xã đã thành lập các nhóm sản xuất, mỗi nhóm gồm 20 đến 30 hộ gia đình và cử ra một trưởng nhóm. Trưởng nhóm có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn bà con trồng rau sạch và ghi nhật ký sản xuất nhằm giúp hợp tác xã nắm bắt được quá trình phát triển của từng loại rau.

Ngoài các loại rau chủ lực là củ cải, bà con thôn Đông Cao cũng đã chủ động xen canh, gối vụ, trồng đa dạng hóa các loại rau, củ, quả, trong đó có nhiều loại giống rau, củ mang lại năng suất, chất lượng cao như: Rau cải ngồng, cải ngọt, cải chíp và các loại quả như: Đỗ, đậu cô ve, cà chua, cải bắp, bí đao...

Người dân Đông Cao thu hoạch rau sạch.

Sản phẩm rau sạch Đông Cao không chỉ cung cấp cho địa bàn Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận. Ông Thìn cho biết: “Sản phẩm rau Đông Cao của chúng tôi được tiêu thụ ở rất nhiều tỉnh. Tại khu vực miền Bắc chúng tôi vươn xa đến các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, toàn bộ hệ thống của các đầu mối tiêu thụ của Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và trong khu vực thành phố Hà Nội, Bắc Ninh”.

Nhờ vào việc trồng sản xuất rau an toàn, mà đời sống của bà con được cải thiện và có thu nhập ổn định. Anh Võ Văn Tuấn, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) chia sẻ: Gia đình anh trồng 15 sào Bắc bộ (1 sào Bắc Bộ = 360m²), chủ yếu là rau cải ngọt, rau cải ngồng, rau bắp cải… Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập được khoảng 200 đến 300 triệu đồng/năm.

Nhìn hệ thống đường làng, ngõ xóm hầu hết đều được bê tông hóa và dọc hai bên đường là những ngôi nhà hai, ba tầng khang trang, to đẹp, có thể thấy được hiệu quả kinh tế mà cây rau đã mang lại cho người nông dân nơi đây. Cũng nhờ có rau, bộ mặt nông thôn xã Tráng Việt thay đổi từng ngày, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đất phía Tây Bắc Thủ đô.

Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG-TRẦN HUYỀN