QĐND - Nếu không gặp những người chở thùng kẹo kéo trên chiếc xe đạp ven đường Thanh Niên thì có lẽ tôi đã mãi mãi cất giữ món quà tuổi nhỏ này trong ngăn ký ức. Những ông hàng kẹo năm xưa sành sỏi đến mức tay thì kéo kẹo, mắt thì mơ mộng nhìn quanh khắp đường làng ngõ xóm, miệng ngân nga đọc thơ: “Cô nào chồng bỏ chồng chê/ Ăn miếng kẹo kéo chồng mê lại liền”, nhiều cô gái làng má đỏ bừng bừng, bước đi vấp váp ngang qua.

 “Con đường vắt ngang hồ Tây và hồ Trúc Bạch này, xưa có tên là Cổ Ngư. Những hàng kẹo kia mới xuất hiện thôi, như thể dành riêng cho sự hiếu kỳ của đám trẻ và ký ức người già…”. Tôi nói cùng người bạn phương Nam khi họ thẫn thờ bách bộ trên đường Thanh Niên - con đường giới trẻ quen gọi với cái tên: Đường tình yêu.

Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy kẹo kéo ngày nay đã khác xưa nhiều. Bây giờ, khi sợi kẹo dứt khỏi khối thì đông cứng lại, ăn giòn tan còn có thêm nhân lạc nữa, không dẻo dai mềm mượt như xưa. Bà tôi cũng từng là người nấu kẹo kéo rất sành. Bà bảo để có thứ đường mạch nha làm kẹo thì phải trải qua quá trình chế biến hết sức công phu: Chọn lúa nếp cái căng mẩy, thơm tho ngâm nước cho mọc mầm sau đó hong dưới nắng già, cho vào cối giã, giần sàng bỏ vỏ trấu, lấy thứ bột trắng ngần đem nấu cùng xôi nếp. Ai nấu kẹo phải dùng đũa cả đánh luôn tay, tay mỏi rã rời vẫn đánh cho đến khi nồi bột cô đặc thành thứ dẻo thơm, thanh ngọt và trong suốt.

Đặc biệt, người bán kẹo kéo thường là đàn ông! Lý giải điều này, người ta cho rằng việc kéo kẹo suốt ngày rất cần sức lực dẻo dai, bền bỉ, chưa kể đến chuyện phải dãi nắng dầm mưa và đạp xe khắp vùng này tới vùng kia, từ ngày này qua tháng nọ. Trái với vẻ ngoài xù xì khô cứng, đàn ông bán kẹo có đôi tay dẻo, ngón tay uyển chuyển như nghệ sĩ thừa sức thôi miên cả trẻ con lẫn người lớn nhìn vào. Tất nhiên, nghề bán kẹo kéo ở đường Thanh Niên bây giờ có phần nhàn nhã hơn xưa. Họ chỉ cần đỗ xe một chỗ, thường là mé bên hồ Trúc Bạch - xung quanh có nhiều người dạo bộ, bơi thuyền, câu cá… ai cần đến mua, không phải cất tiếng rao, cũng chẳng cần đọc thơ phú lấy lòng cô gái nào! Giá loại kẹo bình dân ấy thời nay cũng khác, ít cũng phải dăm nghìn, mươi nghìn, chẳng ai còn bán với giá vài trăm lẻ hoặc đổi vỏ chai, sắt vụn như xưa.

 “Ai kẹo kéo nào! Ai kẹo kéo đây! Kẹo kéo càng kéo càng dài, càng nhai càng ngọt…”, tôi nhớ mãi rằng, những ông hàng kẹo kéo rất duyên và cũng rất hay dùng “kỹ xảo” của đôi bàn tay, quấn kiểu gì, kéo sợi mảnh kiểu để đứa trẻ cũng không giấu nổi sự háo hức trước que kẹo thơm thật là thơm, to thật là to nhưng khi cho vào miệng thì đột nhiên tóp lại. Thứ ảo giác tuổi thơ quá đỗi ngọt ngào. Cũng vì thứ ảo giác ấy mà đã bao lần tôi nén cơn thèm thuồng để ngồi ngắm cây kẹo cho đến khi bóng người và tiếng rao ấm trầm của ông hàng kẹo khuất xa dần.

Trên đường Thanh Niên, một ngày chớm lạnh, bạn phương Nam hồ hởi nhắc đến cậu bé giúp mẹ bằng nghề bán kẹo kéo sau giờ học trong tác phẩm “Bong bóng lên trời” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn tôi gợi lại cho bạn một đôi dòng tản mạn của Băng Sơn thiết tha nhớ về người mẹ qua tiếng rao “Ai tóc rối đổi kẹo…”. Thay vì những ông hàng kẹo kéo quê mùa, đường Thanh Niên bây giờ có những chàng thanh niên bán kẹo, vừa mới mẻ mà cũng rất có duyên - thứ duyên phơi phới sắc thị thành.

LỮ THỊ MAI