QĐND - Giữa không gian sôi động, náo nhiệt của Hội chợ Xuân Ất Mùi 2015 tổ chức tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (Giảng Võ-Hà Nội) vừa qua, tôi như lắng lòng khi gặp một hình ảnh đẹp, đó là một ông đồ mặc áo the, cuốn khăn xếp, râu tóc bạc phơ đang ngồi bên bàn nghiên bút với mực tàu, giấy đỏ. Có khá đông người, chủ yếu là các bạn trẻ, tới nơi ông ngồi để xin chữ đầu Xuân. Ông tên là Vũ Ngọc Kỳ, năm nay gần 70 tuổi. Điều khá bất ngờ với tôi, ông đồ Vũ Ngọc Kỳ gọi cụ Vũ Đình Liên, người sáng tác bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng vào năm 1936, là bác ruột.
 |
Ông đồ Vũ Ngọc Kỳ giải thích “chữ nghĩa” với khách trẻ du Xuân.
|
Gần 80 năm sau ngày bài thơ “Ông đồ” ra đời mà dường như người xưa, cảnh cũ vẫn tái hiện tại đất Hà thành, trong dịp Xuân Ất Mùi 2015 vừa qua. “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Đọc lại những áng thơ trên, chắc chắn tâm trạng mỗi người cùng xốn xang, chộn rộn với mùa Xuân. Dường như được ảnh hưởng gien “thơ phú” của người bác ruột nổi tiếng Vũ Đình Liên, ông đồ mới Vũ Ngọc Kỳ cũng rất giỏi “khua tay múa chữ” và sành làm thơ, viết phú... Ông đã họa lại bài thơ nổi tiếng của bác mình bằng bài thơ “Ông đồ mới” với những áng từ náo nức chất Xuân: “Vẫn mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/ Ngọn bút vờn trên giấy/ Thư pháp quả tài hoa”.
Khi tôi đến xin chữ, ông viết tặng tôi chữ “Học” và ôn tồn giải thích: "Lê-nin, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới có nói: “Học, học nữa, học mãi”. Hiện nay, Trung ương Đảng ta đang kêu gọi cả nước tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bởi vậy, lĩnh hội tư tưởng ấy, tôi viết tặng anh chữ “Học” này. Bên dưới là một bài thơ của tôi như sau: “Học nhi hữu trí (nghĩa là học có ý chí)/ Bộ, bộ đăng cao (tiến từng bước vững chắc)/ Hiếu học minh đạo (chăm học cái đạo sáng)/ Trí dũng song toàn/ Đức tài hội tụ”".
Vẫn theo ông đồ Vũ Ngọc Kỳ, bài thơ ngắn chỉ có 5 dòng, mỗi dòng 4 chữ, nhưng trong ấy hội đủ những gì tốt nhất của một con người. “Tôi tặng anh nhưng cũng có ý nghĩa với tất cả mọi người Việt Nam. Ý nghĩa sâu sắc của chữ “Học” ở chỗ: Minh tâm đối lại là tà tâm. Minh đạo đối lại là tà đạo. Chăm học chính là để có được cái đạo sáng. Tuy vậy, trong câu “Hiếu học minh đạo”, còn có một cái tầng thứ hai mà tôi muốn nói tắt. Minh đạo chính là đạo đức Hồ Chí Minh. Nghĩa là tôi muốn gửi gắm tới anh và tất cả mọi người hãy học đạo đức Bác Hồ”, ông đồ Kỳ giải thích.
Nói rồi, ông đồ Vũ Ngọc Kỳ dẫn tôi đến phía bức tường, có treo trang trọng hai câu đối viết tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
- Trong lễ đưa tang Võ Đại tướng, tôi có viết hai câu đối: “Văn võ song toàn lưu hậu thế/ Đức tài hội tụ kế tiền nhân”. Bữa ấy, tôi và một học trò của mình, mỗi người cầm một vế đối, khổ rất to, đến nhà riêng của Đại tướng ở đường Hoàng Diệu viếng tặng. Lời văn tuy khiêm cung nhưng tôi nghĩ là rất chính xác. Đại tướng quả là người có văn, có võ rất song toàn và sẽ mãi được lưu hậu thế”.
Ông dừng lời, nắm chặt tay tôi, đoạn tiếp tục trở lại bàn nghiên bút.
Mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến hẳn sẽ đượm đà chất xuân hơn, có chiều sâu văn hóa hơn, khi có thêm hình ảnh “những người muôn năm cũ”, vẫn hiển hiện “bên phố đông người qua” (trích thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên) trong dịp Tết đến, Xuân về.
Bài, ảnh: LÊ THIẾT HÙNG