QĐND - Làng Đông Ngạc (tên nôm là làng Vẽ hay Kẻ Vẽ) hiện nay chia làm hai phường Đông Ngạc và Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nổi tiếng là “làng Tiến sĩ” vì có rất nhiều người đỗ đạt ở các kỳ thi khoa bảng thời phong kiến. Đến thời hiện đại, rất nhiều người con của làng thành đạt, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng; nổi bật là GS Hoàng Minh Giám (1904-1995)-người cống hiến hết mình cho nền văn hóa nước nhà.
GS Hoàng Minh Giám sinh ngày 4-11-1904, trong một gia đình trí thức nổi tiếng. Thân phụ ông là cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí (1883-1939)-nhân vật chủ chốt thành lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, nhà soạn tuồng, dịch giả. Thân mẫu GS Hoàng Minh Giám là bà Cao Thị Thuyên-con gái của Thượng thư Bộ học, Đông các Đại học sĩ kiêm Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục (1842-1923). Từ nhỏ, GS Hoàng Minh Giám đã được hưởng nền giáo dục bài bản, Đông Tây kết hợp. Năm 20 tuổi, sau khi nhận bằng tú tài toàn phần, ông theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương.
 |
Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám (bên trái) đón tiếp đại diện Đảng Cộng sản Pháp tại Việt Bắc, năm 1950. Ảnh tư liệu |
Không chỉ phấn đấu học hành, Hoàng Minh Giám còn tích cực đấu tranh chống thực dân Pháp, cổ vũ giới trẻ đề cao khát vọng đòi độc lập cho đất nước. Ông cùng GS Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993) soạn thảo bài diễn văn vạch trần chính sách áp bức, bất công, lừa bịp của thực dân Pháp ở Đông Dương. Thực dân Pháp tức giận, cử ông sang Cam-pu-chia dạy học để cách ly ông với cách mạng trong nước. Hoàng Minh Giám vì tuyên truyền lòng căm thù thực dân Pháp trong lúc giảng dạy nên bị thải hồi về nước.
Năm 1935, Hoàng Minh Giám làm Hiệu trưởng Trường tư thục Thăng Long. Đây là ngôi trường tập hợp nhiều trí thức yêu nước đến giảng dạy và có nhiều học sinh tích cực tham gia hoạt động yêu nước. Trong số các thầy giáo của trường, nhiều người sau này từng giữ những trọng trách của đất nước như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Nguyễn Xiển, KTS Nguyễn Cao Luyện, luật sư Phan Anh, GS Nguyễn Lân, luật sư Vũ Đình Hòe...
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, GS Hoàng Minh Giám được cử giữ chức Đổng lý Văn phòng, rồi Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Với vai trò Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 3-1947 đến tháng 9-1954, ông đã có đóng góp tích cực trong việc kết hợp ngoại giao với quân sự, chỉ đạo ngành ngoại giao làm tốt chức năng tham mưu, hoàn thành xuất sắc việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ với bạn bè quốc tế, thoát khỏi tình thế bị cô lập.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc cho tới ngày nước nhà thống nhất, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa (tháng 9-1954 đến tháng 6-1976), Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã có công lao xây dựng ngành văn hóa với tư tưởng mang tầm chiến lược. Bên cạnh chăm lo phát triển ngành văn hóa trở thành “sức mạnh mềm” để cổ vũ, động viên công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, cũng như khích lệ khát khao giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước Việt Nam, GS Hoàng Minh Giám đặc biệt quan tâm chăm lo bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc, nhờ đó, nhiều di sản có giá trị đã được gìn giữ đến hôm nay. Ông là người có công lớn trong việc phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... Ông cũng quan tâm đến hệ thống tổ chức, xây dựng những thiết chế văn hóa: Bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim và tạo điều kiện để các môn nghệ thuật bác học phát triển như tổ chức đào tạo và trình diễn nhạc giao hưởng, múa ba-lê... Dưới sự lãnh đạo của GS Hoàng Minh Giám, bất chấp hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, ngành văn hóa Việt Nam vẫn phát triển, để lại nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Ông mất ngày 12-1-1995, hưởng thọ 91 tuổi. Với những công lao và những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên ông đã được đặt cho một đường phố ở thủ đô Hà Nội nằm ở quận Thanh Xuân.
HÀM ĐAN