Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó giám đốc Sở KH&CN TP Hà Nội cho biết, quá trình xây dựng Đề án Xây dựng và Vận hành Sàn giao dịch công nghệ TP Hà Nội, Sở KH&CN TP Hà Nội đã xin ý kiến 2 lần bằng văn bản gửi Bộ KH&CN, các Sở, ban, ngành Hà Nội có liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Sàn vật lý (Sàn offline) là nơi trưng bày, giới thiệu công nghệ; địa điểm diễn ra các hoạt động gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa bên cung và bên cầu công nghệ được xây dựng theo 2 phương án.
Sàn trực tuyến (Sàn online) là sàn thương mại điện tử chuyên về công nghệ thiết bị; hệ thống công nghệ thông tin bao gồm: Hệ thống máy chủ, đường truyền và phần mềm nội bộ ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đây là kênh thông tin cơ sở dữ liệu công nghệ và là kênh hỗ trợ giao dịch, kết nối cung cầu tư vấn ký hợp đồng chuyển giao công nghệ
Sàn giao dịch công nghệ nhằm trưng bày, giới thiệu, trình diễn một số công nghệ trong nước và quốc tế tại tầng 1; tổ chức các sự kiện về công nghệ; hoạt động xúc tiến công nghệ; xây dựng, cập nhật, bảo vệ, khai thác cơ sở dữ liệu nhu cầu, khả năng cung cấp công nghệ; kết nối cung - cầu công nghệ, hỗ trợ giới thiệu, tư vấn thẩm định công nghệ với 100% nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục thông tin KH&CN quốc gia, Bộ KH&CN cho rằng, sàn giao dịch công nghệ TP Hà Nội cần tự chủ, nhưng trong giai đoạn đầu phải do Nhà nước cung cấp kinh phí và ngân sách hoạt động trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, định mức kinh tế kỹ thuật giao cho nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Khi Sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, thị trường KH&CN hoạt động tốt thì sàn có thể chuyển dần thành doanh nghiệp hoặc công ty cổ phần cho doanh nghiệp tham gia làm việc vào mua cổ phần.
Tin, ảnh: THÙY DUNG