QĐND -  Cách trung tâm Hà Nội 20 cây số, Kẻ Thầy/Sài Sơn (thuộc huyện Quốc Oai) là vùng đất có nhiều danh thắng và di tích văn hóa, lịch sử. Ngoài chùa Thầy-một trong những ngôi chùa có tiếng nhất nước, gắn với cuộc đời của thiền sư nổi danh thời Lý là Từ Đạo Hạnh (1072-1116), mảnh đất này trong chiều dài lịch sử là nơi lưu dấu ấn, di tích, bút tích của các danh nhân nổi tiếng như: Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Thượng thư Nguyễn Bảo, “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, học giả Phan Huy Chú, thi nhân Cao Bá Quát... Để giúp khách thập phương hiểu thêm những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Sài Sơn, mới đây, NXB Hội Nhà văn đã ấn hành cuốn “Vài nết đất xưa Kẻ Thầy/Sài Sơn” của tác giả Phan Bá Ất.

Phan Bá Ất sinh ra và lớn lên ở vùng Sài Sơn. Cả cuộc đời ông gắn bó với ngành giáo dục, mãi đến khi nghỉ hưu, ông mới dành thời gian cho việc sáng tác và khảo cứu văn hóa. Trò chuyện với chúng tôi, tác giả Phan Bá Ất tâm sự: “Lý do viết cuốn sách là bởi tôi yêu mảnh đất sinh thành, muốn viết một điều gì đó, dẫu biết rằng, đã có nhiều cây bút chuyên và không chuyên nghiên cứu về quê hương mình. Vì vậy, tôi muốn chọn những vấn đề ít người đề cập hoặc đề cập chưa đủ những điều cần được giới thiệu cho người đọc biết đến”.

Lễ hội chùa Thầy thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: Mytour.com

Đúng như nhan đề cuốn sách, tác phẩm của Phan Bá Ất không phải là một công trình nghiên cứu học thuật, có bài bản, có lớp lang; đơn giản, ông chỉ muốn giúp người đọc tìm hiểu về nết đất xưa một vùng văn hóa miền bán sơn địa độc đáo của Thủ đô. Ví như trong lời ăn tiếng nói, vùng đất này vẫn tồn tại nhiều từ cổ như: Cái “thừng” gọi là “chạc”, gọi “bà ngoại” là “vãi”, từ “sát” gọi “ghịt”... Hoặc, tác giả đã giải thích thuyết phục về việc từ rất xa xưa, chùa Thầy không có sư trụ trì mà chỉ có các thầy thống là các bậc cao niên ở các làng thay nhau trông nom. Lý do là chùa Thầy ra đời ở thời Lý, khi mà Phật pháp Mật Tông là chủ đạo. Phật pháp Mật Tông mang tính chất thần bí, không có tính truyền thừa, nên suốt thời gian dài chùa Thầy không có sư trụ trì. Và đặc biệt, ông đã tái hiện sinh động vài nét về văn hóa Lễ hội chùa Thầy những năm 30, 40 thế kỷ XX thông qua ký ức của bản thân và các cụ cao niên.

Trong cuốn sách, tác giả Phan Bá Ất đã có những trang viết rất chi tiết, thú vị về các đặc sản của vùng Kẻ Thầy/Sài Sơn như làm mật mía, làm bánh trong các ngày lễ. Thú vị hơn cả là món dơi ngựa ở Sài Sơn, vốn là vật phẩm tiến vua của cả xứ Đoài xa xưa, cùng với cua kềnh Khánh Hiệp, cá chép Cấn Xá, rau muống Linh Chiểu. Dơi ngựa thường sống trong Hang Thần (Cắc Cớ) trong núi Thầy, mỗi con to như chim ngói, lông xám nhạt, mặt giống ngựa. Thường bắt dơi vào mùa rét từ tháng 9 đến tháng chạp Âm lịch, bằng cách giăng lưới trước cửa hang. Cách chế biến dơi ngựa không có gì cầu kỳ, thường áp chảo vàng ngậy là được, đặc biệt không nên dùng gia vị tẩm ướp làm mất đi vị ngọt, béo của thịt dơi.

Những con dơi ở Hang Cắc Cớ không còn nhiều, bởi môi trường sinh sống của loài dơi ăn hoa quả này đã thay đổi. Cuộc sống hiện đại cũng khiến vùng đất Kẻ Thầy/Sài Sơn “thay da đổi thịt” nhưng đáng mừng là những nết đất xưa hiện vẫn còn. Công trình của tác giả Phan Bá Ất như một lời khẳng định sự phong phú của vùng đất vẫn lưu giữ được những trầm tích văn hóa quý báu.

HÀM ĐAN