QĐND - Sau 10 năm thành lập, quận Long Biên trở thành địa bàn phát triển sôi động ở phía đông bắc Thủ đô. Dù đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa với nhiều công trình xây dựng mới khang trang, hiện đại, nhưng Long Biên vẫn chú trọng giữ gìn những nét văn hóa độc đáo để biến nơi đây thành một điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội trong tương lai.
Mảnh đất giàu tiềm năng văn hóa du lịch
Ngoài những thế mạnh về tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ, công nghệ cao, quận Long Biên cũng rất giàu “vốn liếng” về văn hóa du lịch. Có sông Hồng, sông Đuống chảy qua và nằm giữa hai trung tâm văn hóa lớn Kinh Bắc và kinh đô Thăng Long, đã từ lâu vùng đất Long Biên được biết đến là nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa gắn liền với sự hình thành, phát triển của Thăng Long-Hà Nội. Long Biên may mắn được tạo hóa “đặt” ở vị trí giữa nơi phát tích của nhà Lý- đất Ðình Bảng và Từ Sơn- và nơi dựng nghiệp dòng họ Lý-kinh đô Thăng Long.
Không chỉ là quê hương của danh tướng Lý Thường Kiệt- người có công to lớn trong công cuộc đánh Tống, bình Chiêm dưới thời Lý, Long Biên còn là nơi sinh của Hoàng Phúc Trung-người có công khai phá vùng phía Tây khi nhà Lý mới định đô tại Thăng Long. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh, Lê Lợi đã chọn đất Bồ Ðề (nay là phường Bồ Ðề) làm đại bản doanh để chỉ huy quân bao vây quân Minh trong thành Ðông Quan... Những sự kiện lịch sử ấy vẫn còn lưu giữ đậm nét tại các di tích lịch sử và trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Các lễ hội truyền thống gắn với các dấu ấn lịch sử còn tồn tại đến nay là Lễ hội đình Trường Lâm với màn “múa lột rắn” thể hiện truyền thuyết đức Linh Lang Ðại Vương (có công đánh Tống thời Lý) khi thác hóa thành bạch xà; Lễ hội đình Lệ Mật với màn múa Giảo long, diễn lại tích xưa Thành hoàng Hoàng Phúc Trung cứu công chúa nhà Lý...
 |
Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên. Ảnh: Phạm Xưởng |
Hiện nay, trên địa bàn quận có 77 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có khá nhiều di tích nổi tiếng như đình đền Ghềnh, chùa Bồ Đề, Trường Lâm, đình chùa Ngọc Thụy, đình Hội Xá, đình Thanh Am, đình chùa Mai Phúc, đình Tình Quang... Ngoài ra, Long Biên còn có những giá trị văn hóa phi vật thể như: Trò chơi kéo co ngồi ở phường Thạch Bàn, múa Giảo long ở làng Lệ Mật (phường Việt Hưng) và đặc biệt, múa Ải lao của người dân phường Phúc Lợi là một trong những màn múa điển hình trong Lễ hội Gióng (giáp ranh với xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm).
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Những năm gần đây, quận Long Biên đã tích cực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển du lịch. Một số điểm có di tích lịch sử văn hóa như đền Trấn Vũ, đình Lệ Mật, đình Thanh Am, đình Trường Lâm, thiền viện Sùng Phúc, chùa Mai Phúc... đã được mở rộng, nâng cấp cả về quy mô và cảnh quan nhằm thu hút khách tham quan nhiều hơn.
Bà Trần Thị Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết: Cùng với việc tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông du lịch, quận đã đề nghị Thành phố hỗ trợ để xây dựng một số tua du lịch cố định, gắn tham quan di tích với hoạt động ẩm thực trên địa bàn, trong đó có làng ẩm thực Lệ Mật. Bên cạnh đó, quận cũng đang tích cực thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn để phát triển du lịch văn hóa theo chiều sâu.
Qua tìm hiểu được biết, ngoài việc tu bổ, tôn tạo được hơn 40 di tích lịch sử, quận Long Biên đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện công tác thống kê, giám định các di tích và lập hồ sơ công nhận hàng trăm cổ vật có giá trị. Tuy vậy, theo bà Lê Thị Hương, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin quận Long Biên, do nhận thức chưa đầy đủ nên một số người dân trên địa bàn chưa thật sự trân trọng những hiện vật có trong di tích của mình. Đó là chưa kể trường hợp khi có người công đức đồ thờ tự mới ở các di tích vừa được tu bổ, tôn tạo, những cổ vật quý nếu không quản lý, bảo vệ tốt sẽ dẫn đến hiện tượng thất lạc, mất mát.
Để trở thành điểm du lịch đặc trưng của Hà Nội trong thời gian tới, theo chúng tôi, ngoài những việc đã làm, quận Long Biên cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội; Xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên biệt nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường du lịch Hà Nội. Sản phẩm đó chính là du lịch văn hóa gắn với điểm nhấn là ẩm thực làng rắn Lệ Mật. Cùng với đó, quận cần tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch của địa phương đến du khách trong nước và quốc tế. Mặt khác, muốn giữ gìn được những di tích lịch sử văn hóa-điểm nhấn về hướng phát triển du lịch của địa phương, quận Long Biên cần tuyên truyền sâu rộng để người dân thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa, ngăn ngừa những hiện tượng xâm lấn di tích để xây dựng nhà cửa trái phép như đã từng xảy ra ở một vài nơi trong thời gian qua.
THU THẢO