QĐND - Làng Tả Thanh Oai (tục gọi là làng Tó), huyện Thanh Trì, Hà Nội bề ngoài cũng giống bao ngôi làng ngoại thành khác của Hà Nội đang dần thay da đổi thịt bởi quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Người đời thực sự chỉ nhớ đến ngôi làng này bởi nơi đây là quê hương của gia tộc họ Ngô Thì có nhiều người đỗ đạt khoa bảng đến mức được xưng tụng: “Họ Ngô một bồ Tiến sĩ” và tạo nên nhóm nhà văn Ngô gia văn phái lừng lẫy trong văn học nước nhà. Trong “dải ngân hà” các danh sĩ họ Ngô Thì tỏa sáng lịch sử Việt Nam suốt thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, danh nhân Ngô Thì Nhậm hiển nhiên là “ngôi sao” sáng nhất, toàn tài trên mọi lĩnh vực.

Ngô Thì Nhậm sinh năm 1746 ở Đàng Ngoài nơi tồn tại thể chế vua Lê - chúa Trịnh. Tư chất thông minh và với truyền thống hiếu học của gia tộc, người đương thời chẳng ai ngạc nhiên khi 22 tuổi ông soạn cuốn “Tứ gia thuyết phả” và đỗ Á nguyên khoa thi Hương. Năm 29 tuổi, khoa Ất Mùi (năm 1775) đời vua Lê Hiển Tông, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Cuộc đời làm quan của Ngô Thì Nhậm đang hanh thông thì triều chính biến động với “Vụ án năm Canh Tý” (1780) tranh chấp ngôi Thế tử của họ Trịnh, Ngô Thì Nhậm phải lánh về quê vợ ở Thái Bình ẩn dật.

Nhà thờ dòng họ Ngô Thì tại làng Tả Thanh Oai.

Rồi họ Trịnh cũng không tồn tại trước sức mạnh của quân Tây Sơn, để ổn định tình hình phía Bắc, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã ra sức mời các vị quan triều cũ ra làm việc. Ngô Thì Nhậm đứng giữa những quyết định khó khăn là chạy theo Lê Chiêu Thống để khôi phục nhà Lê như người em Ngô Thì Chí hay ra làm quan nhà Tây Sơn? Ai cũng biết đã là một nhà nho đích thực phải trung với vua, mà ngôi vua chính danh thời điểm ấy vẫn là Lê Chiêu Thống-người đã sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh. Ngô Thì Nhậm đã lựa chọn không làm một “hủ nho” để ra giúp nhà Tây Sơn thỏa chí trị quốc, bình thiên hạ.

Được trọng dụng, Ngô Thì Nhậm tỏ rõ tài năng của mình suốt 4 năm phò tá Quang Trung Nguyễn Huệ. Trước hết, với “nước cờ” lui quân về Tam Điệp bảo toàn lực lượng của ông, đã giúp Quang Trung đánh bại 29 vạn quân Thanh. Và sau đó được giao chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với nhà Thanh.

Sau khi vua Quang Trung mất, vua Quang Toản lên ngôi nhưng không trọng dụng Ngô Thì Nhậm. Năm 1802, Nguyễn Ánh dựa vào tư bản nước ngoài và giai cấp địa chủ chiếm Thăng Long, triều đại Tây Sơn sụp đổ. Trong khoảng thời gian này, Ngô Thì Nhậm đã viết nhiều tác phẩm Phật học, với tác phẩm “Trúc Lâm đại chân Viên Giác thanh”, ông được coi như một vị Đại Thiền sư, một nhà Phật học. Ngày 16-2 năm Quý Hợi (tức ngày 9-3-1803 dương lịch), ông mất tại quê nhà sau trận đòn tại Văn Miếu cùng với hai vị Tiến sĩ đồng khoa Ất Mùi là Phan Huy Ích và Nguyễn Thế Lịch vì tội theo nhà Tây Sơn.

Ngày nay, người dân khắp nơi vẫn đến ngôi mộ và nơi thờ danh nhân Ngô Thì Nhậm tại nhà thờ dòng họ Ngô Thì để tưởng nhớ tới tấm gương sáng đã bất chấp sự rối ren của thời thế vẫn giữ tấm lòng đau đáu trước thời cuộc, hoài bão được cống hiến và tình yêu nước thiết tha.

Bài và ảnh: HÀM ĐAN