QĐND - Trong lịch sử Việt Nam, chỉ có Lý Chiêu Hoàng (1218-1278) được xem là Nữ vương duy nhất, tuy nhiên, bà lại không có ảnh hưởng nhiều trong chính trường. Người phụ nữ được xem có ảnh hưởng đầu tiên và lớn nhất ở chốn triều chính là Nguyên phi Ỷ Lan (1044-1117).
Với một nhân vật sống cách đây gần 1000 năm như Nguyên phi Ỷ Lan, thân thế của bà hiển nhiên khó có thể chính xác tuyệt đối. Theo nhiều tài liệu lịch sử và cả truyền thuyết thì Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến Loan (hoặc Lê Thị Yến, Lê Khiết Nương), sinh năm 1044, quê tại làng Thổ Lỗi, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Bà là con của một viên quan nhỏ họ Lê với người mẹ làm nghề nông; đến năm 12 tuổi mẹ bà qua đời, bà ở với mẹ kế rất hòa thuận.
 |
Cảnh trong vở chèo “Ỷ Lan nhiếp chính” do Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn. Ảnh: VƯƠNG HÀ |
Năm 1063, vua Lý Thánh Tông (1023-1072) tròn 40 tuổi nhưng chưa có con trai để nối ngôi. Vua thân hành đi cầu tự khắp các chùa chiền, miếu mạo, dân chúng nô nức đón rước nhà vua. Khi đi qua làng Thổ Lỗi, duy chỉ có cô thôn nữ xinh đẹp họ Lê vẫn điềm nhiên hái dâu. Vua Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho gọi người con gái đang đứng bên nương dâu kề gốc lan để hỏi chuyện. Cô thôn nữ họ Lê ứng đối trôi chảy mạch lạc khiến nhà vua rất vui vẻ. Vua liền cho nàng nhập cung và ban hiệu là Ỷ Lan (tựa vào gốc cây lan).
Năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử lấy tên là Càn Ðức, tức vua Lý Nhân Tông (1066-1127) sau này. Nhờ vậy, Ỷ Lan trở thành Nguyên phi-đứng đầu các cung phi, sau Hoàng Thái hậu; con trai là Càn Đức được lập làm Thái tử.
Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh giặc ngoại xâm. Trong khi vua đang chinh chiến xa nhà, Nguyên phi Ỷ Lan chăm lo quốc sự chu toàn khiến dân chúng thán phục. Tình hình chiến sự giằng co, vua Lý Thánh Tông lệnh cho thu quân. Về chưa đến kinh thành Thăng Long đã nghe dân chúng khắp nơi ca ngợi Nguyên phi Ỷ Lan có tài trị nước, vua Lý Thánh Tông tự trách mình, liền cho quân tiếp tục quay lại đánh giặc và lần này quân Đại Việt đã thắng trận.
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà, Hoàng Thái tử Càn Đức lên ngôi khi mới 6 tuổi. Nguyên phi Ỷ Lan được tôn làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu, buông rèm nhiếp chính. Việc quốc gia đại sự bộn bề nhưng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan điều khiển mọi sự suôn sẻ; bà cùng Thái úy Lý Thường Kiệt (1019-1105) tích cực chống quân Tống xâm lược. Trong chiến thắng chống quân Tống xâm lăng, ngoài tài cầm quân của Lý Thường Kiệt, sử sách cũng không quên vai trò của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đã cùng Thái sư Lý Đạo Thành (?-1081) lo binh lương chuyển ra tiền tuyến.
Xuất thân từ nông dân, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan rất hiểu nỗi vất vả của người nông dân nên ra sức chăm lo phát triển kinh tế đất nước để người dân được no ấm; vì vậy, dưới thời vua Lý Nhân Tông, thiên hạ được thái bình. Bà còn chăm lo việc mở mang dân trí, việc thi cử học hành và còn ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân khác. Đặc biệt, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có công phát triển Phật giáo ở Đại Việt, bỏ nhiều tiền của xây chùa và ủng hộ mọi người nghiên cứu Phật pháp.
Năm 1117, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan mất, bà được dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu, triều đình làm lễ hỏa táng và chôn ở Thọ Lăng (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ngày nay trên mảnh đất Dương Xá có Đền Bà Tấm thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, quanh năm đông khách thập phương đến dâng hương tưởng nhớ người phụ nữ có tài kinh bang tế thế trong lịch sử nước nhà.
HÀM ĐAN