QĐND - Tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước, có đường phố mang tên Nguyễn Phong Sắc. Song, công trạng của danh nhân này không phải ai cũng rõ bởi ông mất khi mới 29 tuổi. Dù cuộc đời ngắn ngủi nhưng những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và tấm gương hy sinh anh dũng của người Cộng sản Nguyễn Phong Sắc sẽ được nhớ mãi.
Nguyễn Phong Sắc (tên khai sinh là Nguyễn Văn Sắc) sinh ngày 1-2-1902 ở làng Bạch Mai, hiện nay là phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cụ thân sinh của ông là Nguyễn Đình Phúc, làm hàng mã, có lòng yêu nước thương nòi và đã tham gia vụ dùng cà độc dược đầu độc binh lính Pháp năm 1908.
Lớn lên, Nguyễn Phong Sắc học Trường Bưởi, tốt nghiệp thủ khoa kỳ thi thành chung năm 1924. Học giỏi, được thực dân Pháp cấp học bổng sang mẫu quốc nhưng Nguyễn Phong Sắc từ chối. Ông vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương; từ công việc này, Nguyễn Phong Sắc biết rõ chính sách bóc lột của thực dân Pháp qua các loại thuế. Thừa hưởng tinh thần yêu nước của người cha và nhất là được giác ngộ bởi các thành viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, Nguyễn Phong Sắc gia nhập tổ chức này vào đầu năm 1927. Cũng thời gian này, Nguyễn Phong Sắc bỏ việc ở Sở Tài chính chỉ vì bất bình trước việc một người Pháp lăng mạ một nữ nhân viên người Việt.
![](http://file.qdnd.vn/data/old_img/thuthuy/2014/2/22/04171501794.jpg) |
Ngôi nhà 5D phố Hàm Long, nơi ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. |
Bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng, Nguyễn Phong Sắc tích cực móc nối các cơ sở ở trong nước và cả sang Lào. Căn nhà của ông trở thành nơi hội họp, tài sản gia đình được bán dần để chi phí cho in ấn tài liệu, nuôi cán bộ. Ngày 7-3-1929, 7 thành viên kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Bắc Kỳ là Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân, đã họp thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tại Việt Nam tại nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội. Toàn bộ nội thất ngôi nhà này đều do Nguyễn Phong Sắc mua sắm. Bản thân Nguyễn Phong Sắc vắng mặt do bận công tác đột xuất nhưng vẫn được công nhận là thành viên chính thức. Từ cơ sở chi bộ cộng sản này đã phát triển thành Đông Dương Cộng sản Đảng để cuối cùng hợp nhất với hai tổ chức cộng sản khác trở thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.
Ngày 21-7-1929, Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp tại Bắc Ninh phân công Nguyễn Phong Sắc vào phụ trách Trung Kỳ khi phong trào cách mạng ở đây đang sục sôi. Chỉ một thời gian ngắn, Nguyễn Phong Sắc đã tổ chức được lực lượng và cho ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên ở TP Vinh. Đến năm 1930, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng nổ với việc công nhân Bến Thủy và nông dân Hưng Nguyên biểu tình. Thực dân Pháp điên cuồng đàn áp các cuộc nổi dậy và truy bắt những nhà lãnh đạo phong trào, trong đó có Nguyễn Phong Sắc-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 3-5-1931, Nguyễn Phong Sắc bị bắt tại Ga Hàng Cỏ (Hà Nội) do có kẻ phản bội chỉ điểm. Thực dân Pháp sử dụng không thiếu đòn tra tấn nào song không thể khai thác Nguyễn Phong Sắc bất cứ thông tin gì. Thực dân Pháp đã hèn hạ thủ tiêu Nguyễn Phong Sắc vào sáng 25-5-1931, tại khu vực gần Cửa Hội, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, ngôi nhà 5D phố Hàm Long vẫn được giữ nguyên vẹn dáng vẻ cách đây 80 năm trước. Bất cứ ai tham quan ngôi nhà sẽ được cán bộ quản lý tận tình giới thiệu hoàn cảnh ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên và thân thế những người Cộng sản kiên trung thời kỳ đầu, trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc-nhà lãnh đạo nổi bật của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Bài và ảnh: HÀM ĐAN