QĐND Online - Là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, Hồ Tây từ lâu đã là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi đến thăm Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trên con đường dài khoảng 17km bao quanh hồ, du khách có thể thả mình vào không gian thoáng đãng nơi đây, tận hưởng những khung cảnh đẹp hay tìm hiểu những danh thắng, những chốn tâm linh của Thăng Long như chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên…

Theo cụ Vũ Văn Luân, 82 tuổi, nhà giáo đã dành hàng chục năm nghiên cứu về các di tích đình chùa thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, nói đến Hồ Tây không thể không kể đến hai ngôi chùa lâu niên nhất, gắn liền với thời Phật giáo bắt đầu du nhập vào Việt Nam, đồng thời gắn liền với lịch sử vua Lý Nam Đế dựng thành Tô Lịch chống quân Lương, lập nước Vạn Xuân. Đó là chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc) và chùa Thiên Niên.

Báo QĐND Online xin giới thiệu một số “điểm hẹn” tâm linh bên Hồ Tây.

Nằm trên đường Thanh Niên, chùa Trấn Quốc là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài nước

Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam và là trung tâm Phật giáo của Kinh thành Thăng Long vào thời Lý và Trần. Chùa khai sáng từ thời tiền Lý Nam Đế, thế kỷ thứ 6 (541-548) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng. Chùa ban đầu có tên gọi Khai Quốc (nghĩa là mở nước). Đến thời vua Lê Hy Tông, chùa mới chính thức được gọi là Trấn Quốc.

Viện Viễn Đông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong toàn xứ Đông Dương.

Cây bồ đề do đích thân Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasat trao tặng tận tay Chủ tịch Hồ Chí Minh được trồng tại sân chùa Trấn Quốc

Chùa có vườn tháp lớn, đặc biệt là tháp Lục độ đài sen cao 15m, gồm 11 tầng, tôn trí 66 pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đá quý.

Một điều đặc biệt nữa là, tại sân chùa sừng sững cây bồ đề do đích thân Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasat trao tặng tận tay Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cây được trồng vào một ngày tháng 3-1959.

Chùa Trấn Quốc nằm trên đường Thanh Niên, quận Ba Đình.

Chùa Thiên Niên có tên chữ là Thiên Niên Cổ Tự. Sự xuất hiện của chùa gắn liền với hai truyền thuyết diệt cáo chín đuôi. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng chính Lạc Long Quân là người đã diệt cáo chín đuôi để tạo lập, khai sáng Hồ Tây. Truyền thuyết thứ hai kể rằng: Thời Lý Nam Đế, khi Trích Sài vẫn chỉ là một rừng gỗ lim, trong rừng xuất hiện một con cáo chín đuôi thường bắt trẻ con, người già, phụ nữ, gây ra nhiều đau khổ cho người dân trong vùng. Lý Nam Đế đã cử hai con gái của mình đi học pháp thuật từ một đại tiên để diệt cáo. Cả ba người đã về lập ba đàn ở trên đất Trích Sài để làm các phép thuật diệt cáo chín đuôi. Sau khi diệt được cáo, Lý Nam Đế đã để hai công chúa ở lại, dựng một miếu thờ ghi nhận công lao đại tiên và xây dựng một ngôi nhà để trông nom ngôi miếu.

Chùa Thiên Niên hiện đang được tu bổ. Trong ảnh là cổng chùa Thiên Niên

Đến thời Lê Thánh Tông (1460-1497), nhà vua cắt một nửa thôn Trích Sài cho các cung phi và dựng miếu cho các cung phi thờ cúng niệm Phật. Trước miếu có chùa Bát Tháp dựng trên nền đất thấp, nhà vua cho dời lên khu đất cao và đổi tên là chùa Thiên Niên.

Chùa Thiên Niên tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ.

Một góc chùa Vạn Niên nhìn từ đường ven Hồ Tây. Chùa nổi tiếng bởi công trình nghệ thuật bằng gỗ

Chùa Vạn Niên (364 Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ) được xây dựng từ năm Thuận Thiên thứ 2 (1011) sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long. Tên gọi ban đầu là chùa Vạn Tuế, sau đổi là chùa Vạn Niên. Đây được coi là ngôi chùa thiêng của đất Thăng Long-Hà Nội.

Là một kiến trúc Phật giáo, chùa được tạo bởi công trình nghệ thuật bằng gỗ với các hoa văn, họa tiết vừa bản địa, vừa tiếp nhận văn hóa phương Đông.

Trên nóc chùa có ba chữ triện đắp nổi “Vạn Niên Tự”. Hiện chùa còn giữ bộ di vật cổ quý gồm hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn, có Bài ký trên chuông Đồng, “Vạn Niên Tự Chung”, đúc vào thời Gia Long. Năm 2010, Chùa Vạn Niên làm lễ an vị, khánh thành Điện Phật ngọc. Tượng phật tạc bằng khối ngọc tự nhiên quý hiếm từ Myanmar có chiều cao 1,3m, nặng 600kg.

Phía cuối sân chùa, dưới bóng cây cổ thụ tọa lạc một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối ở cuối sân chùa Vạn Niên

Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây. Phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh-một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt.

Phủ Tây Hồ được công nhận là di tích lich sử-văn hóa năm 1996. Tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng được công nhận là "cây di sản Việt Nam". Kề bên phủ là đền Kim Ngưu thờ thần Kim Ngưu (Trâu Vàng).

Phủ Tây Hồ nằm cuối đường Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.

Cổng trước chùa Tảo Sách

Chùa Tảo Sách tức Linh Sơn Tự (386 Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ): Thời tiền Lê, trên nền thảo am cô tịch, người dân đã xây dựng thành chùa Tảo Sách với ý nghĩa là đọc sách dưới ánh ban mai. Chùa Tảo Sách còn có tên gọi là Tào Sách.

Năm 2009, do bị xuống cấp nên cổng tam quan và tòa tam bảo chùa Tảo Sách đã được thượng tọa trụ trì Thích Nguyên Hạnh đã cùng Phật tử thập phương góp công phục dựng ngôi chùa có hơn 600 năm tuổi này theo đúng lối kiến trúc của chùa cũ.

Chùa Kim Liên được dựng trên nền cũ của cung Từ Hoa, thuộc trại Tằm Tang, có tên ban đầu là chùa Đống Long. Năm 1771, đời Lê Cảnh Hưng, chùa được tu sửa và đổi tên thành chùa Kim Liên. Năm 1792, đời vua Quang Trung, chùa lại được xây dựng lớn, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay. Chùa có tên chữ là “Hoàng Ân tự”, vừa thờ Phật vừa thờ công chúa Từ Hoa.

Chùa Kim Liên (thôn Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ) được đánh giá là một trong những chùa đẹp nhất ở Hà Nội, là một “bông sen ven Hồ Tây”. Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia năm 1962.

Cây bồ đề trước cửa Tĩnh Lâu Tự biểu trưng cho sự giác ngộ Phật pháp

Chùa Tích Sài (Tĩnh Lâu Tự) là một danh lam cổ tích nổi tiếng đẹp và linh thiêng của Hà Khẩu, phường Bưởi. Chùa nằm trên một khuôn viên rộng có nhiều cây xanh cổ thụ bao bọc, phong cảnh đẹp. Trước chùa là Hồ Tây quanh năm nước xanh ngắt, điệp một màu với da trời, in bóng thành phụng ngất cao, khiến tưởng như vầng nhật nguyệt còn thấp. Trước chùa là cây bồ đề biểu trưng cho sự giác ngộ Phật pháp. Bên trong tam quan có khoảng không thoáng mát yên tĩnh lạ thường, đúng như lời giới thiệu trong câu đối trước tam quan chùa:

Hộ Thượng Tịnh Lâu thuý trúc, hoàng hoa giai phật tử

Môn tiền, sạn phát, trường tùng, tế thảo thị chân thư”.

Nghĩa là :

Chùa Tĩnh Lâu ở trên có hồ trúc đẹp, hoa vàng đều là cõi của Phật

Nơi thờ tự trước cửa có tùng già, cỏ xanh, ấy chính chốn chân tu.

Chùa Tích Sài là một danh lam cổ tích linh thiêng của phường Bưởi

Trong chùa có 43 pho tượng Phật được tạo tác rất công phu theo kiến trúc tượng Phật thế kỷ XVI. Chùa có 15 bia ghi việc sửa chữa trùng tu, cúng tiến ruộng ao, đúc chuông từ niên đại Cảnh Thịnh 1 đến niên đại Bảo Đại thứ 17 (1799-1942), và nhiều hoành phi câu đối. Đặc biệt, tại chùa còn bảo tồn được một quả chuông cỡ lớn 1,10mx0,85m có niên đại Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) còn lại không nhiều trong kho tàng lịch sử nước ta.

Chùa Tích Sài nằm ở góc phố Trích Sài-Võng Thị.

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG-TRẦN HOÀI