QĐND Online - Nhắc đến thú chơi tranh của người Tràng An mà bỏ qua dòng tranh Hàng Trống thì quả là một thiếu sót. Thế nhưng, một trong những đỉnh cao của nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam này đang trở thành “người dưng” tại chính mảnh đất đã một thời “nuôi dưỡng” nó.

Một thời từ hưng thịnh 

Tranh Hàng Trống xuất hiện từ khoảng 400 năm trước, là một trong những thể loại tranh dân gian tiêu biểu ở Việt Nam bên cạnh các dòng tranh dân gian khác như: Tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng hay tranh làng Sình.

Tranh Hàng Trống nổi danh một thời được chia làm hai loại: tranh chơi Tết và tranh Thờ. Bên cạnh tranh Đông Hồ, cùng chất liệu giấy dó, cùng thông điệp chúc tụng tươi vui, nhưng bằng cách làm rất khác biệt, tranh Tết Hàng Trống đóng góp cho người thưởng ngoạn những bức nổi tiếng: "Tùng cúc trúc mai", "Lý ngư vọng nguyệt", "Chợ quê", "Tố nữ"... Còn với loại tranh thờ Hàng Trống, thường mang màu sắc mạnh mẽ và cách tạo hình đầy tính tôn giáo, gắn bó mật thiết với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, nên đem lại hiệu ứng cả về thị giác và cảm xúc đối với người xem. Những năm cuối thế kỷ XIX, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những bức: "Ngũ Hổ", "Ông Hoàng Ba", "Mẫu Thượng Ngàn"... ở những nơi linh thiêng nhất như: Đền, miếu, điện thờ... Chính vì thế, phần nào mang tranh Hàng Trống bước lên một vị thế cao hơn trong bản đồ tranh dân gian Việt Nam.

Tranh Hàng Trống "Ban thờ Hắc Hổ (Chùa Hàm Long, Hà Nội). Ảnh: Léon Busy (Ảnh màu chụp năm 1914-1917). BTC cung cấp.

Không giống tranh Đông Hồ, tranh dân gian Hàng Trống thường sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Tranh Hàng Trống sau khi vẽ mẫu, khắc gỗ rồi in nét, cuối cùng mới tô màu bằng tay. Công đoạn tô màu là khó khăn, tốn nhiều tâm sức và thời gian nhất. Nghệ thuật ở đây là việc dầm bút lấy màu nhiều hay ít đối với ngòi bút, bụng bút lông và cường lực ở tay khi tô màu nặng hay nhẹ để gây được hiệu quả sáng, tối và tạo cảm giác hình khối của người hay vật trong bức tranh… Do đó, ở mỗi bức tranh Hàng Trống thường vẫn có điểm khác, dù cùng được in trên một mẫu. Màu sắc tuy được dùng bằng phẩm màu nhưng lại có ưu điểm là tươi tắn, sống động và ưa nhìn. Đặc biệt, kỹ thuật tạo màu trên một số tranh thờ, tứ bình, tứ quý, màu sắc được "vờn" một cách công phu, lối vờn màu bên đậm, bên nhạt này gọi là "cản màu" khiến cho chỉ bằng một nhát bút, một lần lấy mực là có thể diễn tả màu sắc thành đậm nhạt, sáng tối, hình khối của mây, nước, người, vật trong tranh nổi lên một cách lưu loát, đậm chất nghệ thuật…

Đầu thế kỷ XX được coi là giai đoạn thịnh của dòng tranh này khi rất nhiều gia đình ở khu vực phố Hàng Trống, Hàng Nón… làm tranh. Tuy nhiên, cho đến nay, còn rất ít người giữ được kỹ thuật làm tranh theo bản khắc tranh cổ từ thế kỷ trước. Do không ý thức được giá trị của tranh Hàng Trống, nên nhiều gia đình chỉ coi đó là sản phẩm thời vụ, hết một năm lại bỏ đi và không có ý thức giữ gìn, vì vậy bị thất lạc khá nhiều. Thế rồi theo thời gian, tranh Hàng Trống dần đi vào lãng quên tại các tư gia, chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng và hay trong nỗ lực của một vài nhà sưu tầm, nghiên cứu tranh hiếm hoi, tâm huyết.

Nặng lòng với dòng tranh truyền thống 

Nhằm lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều thế hệ từ các bậc lão làng cho tới các bạn trẻ đầy nhiệt huyết đã và đang hết mình gìn giữ cho dòng tranh dân gian này.

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê được biết đến là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về tranh Hàng Trống. Ông luôn trăn trở trong việc bảo tồn và giữ gìn dòng tranh nổi tiếng nay. Sinh năm 1937, quê gốc ở Thanh Hóa nhưng họa sĩ Phan Ngọc Khuê lại học tập và sinh sống ở Hà Nội. Ông cho biết, chính những năm tháng làm cán bộ văn hóa ở Sơn La đã khiến ông trưởng thành, gắn bó với nghề và say mê với nghệ thuật dân gian. Năm 22 tuổi, giữa lúc đất nước đang ngập chìm trong bom đạn của đế quốc Mỹ, ông có mặt tại khu Thái Mèo và may mắn thay, ông được những nghệ nhân nơi đây khơi dậy tình yêu nghệ thuật. Ông say mê nghiên cứu từ lối vẽ truyền thống của người Dao trên những thước vải đủ sắc màu cho tới kỹ thuật vẽ sáp ong độc đáo của người Mông. Bằng tình yêu và sự chăm chỉ của mình, cậu học trò ngày đó chiếm trọn tình cảm của những nghệ nhân người Dao, Mường và Thái. Với ông, kể từ đó, nghệ thuật đã trở thành hơi thở của cuộc đời mình. 

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê-người cống hiến hết mình cho nghệ thuật thuật dân gian giới thiệu về dòng tranh Hàng Trống cho các bạn trẻ trong triển lãm Windy Day 12: “Tranh Hàng Trống – Phận mỏng cánh chuồn”. Ảnh nhân vật cung cấp.

Trở về Hà Nội, ông công tác trong Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật, mỹ thuật dân gian của một số dân tộc… Các công trình nghiên cứu của họa sĩ Phan Ngọc Khuê đều đoạt giải cao của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp. Năm 2013, ông đã đoạt được hai giải Nhất của Hội và Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với công trình “Tranh dân gian Hàng Trống – Hà Nội”. Cuốn sách là một tác phẩm nghiên cứu công phu dày 600 trang với bài viết, dẫn luận, tranh sưu tập và chú thích cho từng bức tranh ở số lượng lớn. Đặc biệt, trong tác phẩm này, người họa sĩ còn thể hiện niềm đam mê và sự kiên trì của mình trong việc tìm ra sự khác biệt, nổi bật của dòng tranh so với hai dòng tranh dân gian còn lại, Đông Hồ và Kim Hoàng. Nếu như cuốn “Mỹ thuật dân tộc Thái ở Việt Nam” là để trả ơn đồng bào Tây Bắc, “Tranh Đạo giáo ở Bắc Việt Nam” được viết dành tặng đồng bào Việt Bắc, thì việc làm nên công trình “Tranh dân gian Hàng Trống – Hà Nội” đồ sộ này là món quà ân tình họa sĩ Phan Ngọc Khuê dành tặng cho đồng bào miền xuôi, đồng bào Kinh.

Theo họa sĩ Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống có nguồn gốc từ tranh tôn giáo, có đặc tính là nét rất thanh mảnh, trau chuốt, tạo hình vừa chỉn chu vừa phóng khoáng, màu sắc tươi sáng, sống động. Ông cho rằng, sự kết tinh của tranh Hàng Trống đến từ nét giao thoa văn hóa giữa Nho giáo và Phật giáo, giữa cái chạm khắc dân gian và cái hồn của người nghệ nhân làm ra nó. Tranh Hàng Trống không chỉ mang đến những hiệu ứng thị giác đẹp mắt từ cách làm thủ công đặc biệt, mà còn dẫn dắt người xem đến với những câu chuyện kỳ diệu về đức tin và hy vọng của người xưa. "Để nghiên cứu tranh Hàng Trống thì phải hiểu rõ các dòng tranh dân gian khác như tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, chỉ ra cho người ta thấy sự khác nhau của những dòng tranh này. Với nghệ thuật phải công bằng, muốn công bằng thì phải có cái nhìn khách quan", họa sĩ Phan Ngọc Khuê nói.

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê chụp ảnh cùng các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về dòng tranh Hàng Trống tại triển lãm. Ảnh nhân vật cung cấp.

Không chỉ những nhà nghiên cứu gạo cội mới nặng lòng với dòng tranh từng một thời hoàng kim này. Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ cũng mong muốn giới thiệu, lưu trữ “hồn cốt” của tranh Hàng Trống. Tôi xê dịch – một dự án truyền thông xã hội hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu đưa văn hóa Việt đến gần hơn với giới trẻ Việt Nam và rộng hơn nữa là với toàn cầu. Vừa qua, Tôi xê dịch đã tổ chức thành công chương trình triển lãm Windy Day 12: “Tranh Hàng Trống – Phận mỏng cánh chuồn” nhằm tạo một không gian trải nghiệm văn hóa thật gần gũi, một sân chơi cho các bạn trẻ yêu văn hóa dân gian truyền thống, để từ đó những người trẻ sẽ ghi nhớ mãi những nét đẹp và nét văn hóa của tranh Hàng Trống.

Nói về mục đích tổ chức triển lãm, bạn Nguyễn Hải Vân (thành viên Tôi xê dịch) chia sẻ: “Với vẻ đẹp mộc mạc của cái đời, của cái tình, của cái tâm, của văn hóa truyền thống sâu sắc, tranh Hàng Trống mang theo màu mực, màu giấy, là niềm tự hào, là văn hóa rất tự nhiên, rất chân thành, rất Việt. Winday 12 được tổ chức với mong muốn tái hiện, mang đến cho mọi người một cuộc hành trình tìm về tranh Hàng Trống thời vàng son, để khôi phục lại cái vẻ huy hoàng thuở trước. Tôi xê dịch với tất cả tâm huyết của mình chỉ mong có thể mang chút gió, chút hương của dân gian thổi vào tâm hồn những người yêu truyền thống dân tộc”.

Triển lãm “Tranh Hàng Trống – Phận mỏng cánh chuồn” đã thu hút được số lượng lớn các bạn trẻ tham gia. Ban tổ chức chương trình cho biết,  Windy Day 12 đã tái hiện lại toàn bộ không gian văn hóa của chủ đề tại thời điểm cực thịnh, từ đó cùng sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, chia sẻ kiến thức, dẫn dắt cách thưởng thức nghệ thuật truyền thống và truyền cảm hứng, ý thức bảo vệ, bảo tồn dựa trên hiểu biết và trân trọng quá khứ.

Hy vọng rằng, với tình yêu, lòng đam mê nhiệt thành, được cống hiến hết mình cho nghệ thuật thuật dân gian của họa sĩ Phan Ngọc Khuê và các thành viên Tôi xê dịch, những nét đẹp, nét văn hóa đặc sắc của dòng tranh Hàng Trống sẽ tiếp tục được lưu giữ, còn mãi với thời gian. 

HÀ MY