Theo đó, năm nay, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước với 2 mức tiền (400.000 đồng và 200.000 đồng), còn có quà của TP Hà Nội tặng cho người có công với mức tiền giữ nguyên như năm 2019.
Mức quà tặng 1.000.000 đồng/suất gửi tới Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, bệnh binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi); người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp. Mức 500.000 đồng/suất gửi tới đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ (1 liệt sĩ/1 suất quà).
    |
 |
Quận Long Biên tổ chức thăm, tặng quà người có công trên địa bàn. Ảnh: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội. |
Hiện nay, qua rà soát, trên địa bàn TP Hà Nội không còn hộ gia đình người có công thuộc hộ nghèo. Các quận, huyện, thị xã đã có kế hoạch hỗ trợ cho các gia đình người có công, đặc biệt là hộ gia đình người có công thuộc hộ cận nghèo về tạo việc làm, vay vốn sản xuất.
TP Hà Nội đã tổ chức thăm hỏi tặng quà 45 đơn vị, mỗi suất quà trị giá từ 6.000.000 đồng đến 11.000.000 đồng; tổ chức thăm tặng quà 72 cá nhân tiêu biểu, mỗi suất trị giá 2.500.000 đồng/suất (túi quà 500.000 đồng, tiền mặt 2.000.000 đồng). Đồng thời, TP ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã thăm và tặng quà tới 60 gia đình liệt sĩ, thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tiêu biểu hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP.
Theo Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, góp phần chăm lo đến các gia đình chính sách trên địa bàn chu đáo, trang trọng hơn nữa, một số quận, huyện trên địa bàn TP đã trích ngân sách cấp huyện tặng quà đến toàn bộ các gia đình chính sách nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Tính đến ngày 17-7, các quận, huyện, thị xã đã vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, toàn TP đạt 21.897 triệu đồng, đạt 99,9% kế hoạch. Cùng với đó, tặng 3.604 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” 4.220 triệu đồng, đạt 129,4% so với kế hoạch; tu sửa nâng cấp 70 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 44.317 triệu đồng, đạt 104% so với kế hoạch. Các quận, huyện, thị xã trích ngân sách địa phương, vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 304 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí 11.815 triệu đồng đạt 136,3% kế hoạch (176 nhà xây mới, 128 nhà sửa chữa). Đặc biệt, 138/138 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng. Các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bệnh viện trên địa bàn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 15.000 lượt người; kinh phí cấp thuốc gần 2,4 tỷ đồng.
Công tác giải quyết chế độ chính sách người có công được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời; 6 tháng đầu năm 2020, đã tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và giải quyết chế độ ưu đãi người có công cho 7.545 trường hợp. Chi trả trợ cấp thường xuyên cho 88.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với kinh phí 982 tỷ đồng. Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội đi viếng và dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia thuộc tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Tây Ninh, Quảng Trị, Nghệ An để tri ân và tưởng nhớ đến công lao của các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
BĂNG CHÂU