Nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, từ trung tâm Hà Nội đến Bảo tàng Dân tộc học mất khoảng 30 phút đi xe máy. Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là bảo tàng thu hút số lượng khách tham quan, du lịch lớn nhất ở nước ta. Được thành lập năm 1997, còn khá “trẻ” so với những bảo tàng khác, nhưng đến nay, nơi đây đã trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến với bảo tàng, khách tham quan không chỉ được thưởng ngoạn cái đẹp từ các bộ sưu tập hiện vật mà còn có thể bước đầu hiểu biết hơn về các tộc người cũng như bức khảm tranh văn hóa đặc sắc, hấp dẫn của các dân tộc ở Việt Nam.
Năm 2012, trang web du lịch số 1 của Mỹ - TripAdvisor - đã trao chứng chỉ xuất sắc lần thứ nhất cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Theo đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam xếp thứ 6 trong các bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Việc đánh giá này được thực hiện trên cơ sở những lời nhận xét, bình luận của khách tham quan trên trang web về một địa điểm du lịch mà họ đã từng tham quan. Chỉ số đánh giá được thể hiện bằng số sao, cao nhất là 5 sao. Theo TripAdvisor, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng với chỉ số được bình chọn là 4,5 sao. Cụ thể, có 500 phiếu đánh giá xuất sắc, 357 phiếu đánh giá rất tốt.
Sự hấp dẫn của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến từ những điều bình dị nhất. Đó là những hiện vật và tranh ảnh mô tả cuộc sống đời thường của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Bước qua cánh cổng chính của bảo tàng, du khách sẽ đến với không gian trưng bày trong tòa nhà Trống Đồng rộng 2.500m2. Bản thân tòa nhà Trống Đồng này đã là một sự khác biệt, thu hút khách du lịch ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cầu thang bên trong tòa nhà có những tay vịn, đặc trưng của những chiếc cầu thang bắc lên nhà sàn của người dân tộc thiểu số. Tại đây, hiện vật được trưng bày một cách khoa học và bắt mắt. Mỗi phần trưng bày đều có hướng dẫn cụ thể về lịch sử, ý nghĩa cho du khách dưới nhiều dạng ngôn ngữ như Anh, Pháp, Nhật, Đức, Trung Quốc,… giúp cho khách du lịch quốc tế hiểu rõ hơn về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta. Những hiện vật được trưng bày cho các dân tộc cũng rất giản dị, gần gũi, từ chiếc giỏ đan, mâm cơm, chiếc khăn quàng… hay những bộ trang phục dân tộc. Không cao siêu, mỹ miều, chính những hiện vật rất dung dị này đã mang lại cho người xem cái nhìn xác thực và rõ nét về cuộc sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, các hoạt động tạo không gian mở cho bảo tàng như các buổi biểu diễn rối nước, trình diễn nghề thủ công, tổ chức các lễ hội dân tộc... luôn tạo cảm xúc mới lạ cho khách tham quan. Chị Nguyễn Thu Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đến bảo tàng nhiều lần và mỗi lần lại tìm thấy những điểm thú vị riêng. Khi đến với bảo tàng, chị hiểu thêm nhiều về kiến trúc, về lối sống độc đáo của các dân tộc trên đất nước mình.
Nếu như tòa nhà Trống Đồng hấp dẫn người xem bởi lối kiến trúc độc đáo và cách trưng bày khoa học thì khu vực ngoài trời thực sự níu chân du khách bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, không gian thoáng mát và những tiểu khu dựng lại hình ảnh sống động của một số dân tộc Việt Nam. Ở khu vực ngoài trời của bảo tàng có tất cả 10 công trình dân gian với kiến trúc độc đáo như: Nhà Rông của người Ba Na, nhà mồ tập thể của người Gia Rai, nhà nửa sàn nửa đất của ngườì Dao, nhà trệt lợp ván pơ-mu của người H'mông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà của người Hà Nhì hay nhà mồ của người Cơ Tu…. Mỗi ngôi nhà là một hiện vật bảo tàng đích thực, có địa chỉ, có lý lịch, cuộc sống của nó. Các công trình này được lựa chọn và đưa về dựng lại trong khuôn viên của bảo tàng bằng nguyên liệu, kỹ thuật và nghi lễ của các chủ thể đích thực. Với khuôn viên rộng lớn, cây cối xanh mát cùng những mảnh vườn trồng rau, thuốc nam, con đường làng... tất cả đem lại cho bảo tàng một vẻ đẹp khó diễn tả.
Không chỉ giới thiệu văn hóa, lịch sử, đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam, năm 2008, bảo tàng còn cho xây dựng thêm khu vực trưng bày Đông Nam Á. Tại đây, nhiều cuộc triển lãm, trưng bày tranh ảnh, nghệ thuật của các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á đã được tổ chức. Điều này không chỉ tạo thêm sức hút cho bảo tàng mà đây còn là cầu nối trao đổi, học hỏi, giao lưu giữa các nền văn hóa trong khu vực.
Anh David Blakeley, một khách du lịch người Anh rất thích thú khi đến tham quan bảo tàng. Anh nhận xét: Đây là một nơi tuyệt vời giúp tôi hiểu thêm nhiều về lịch sử và di sản của các dân tộc thiểu số nói riêng và về dân tộc Việt Nam nói chung. Các hiện vật ở đây đều rất thú vị và có chỉ dẫn rất cụ thể. Khu trưng bày ngoài trời có kiến trúc rất độc đáo.
Năm 2012, số lượng khách đến với bảo tàng đạt hơn 400.000 lượt người. Như vậy, mỗi tháng, trung bình có khoảng 34.000 lượt và mỗi ngày, bảo tàng đón hơn 1.000 lượt khách tham quan.
Những con số trên cũng đã phần nào thể hiện được sự hấp dẫn của bảo tàng được xếp thứ 6 trong khu vực Châu Á. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn luôn sống động và là một điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước, nhất là công chúng ở Thủ đô Hà Nội đến tham quan, nghiên cứu, học tập, trải nghiệm văn hóa và vui chơi giải trí...
Dưới đây là một số hình ảnh về các hiện vật trưng bày và công trình tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Báo QĐND Online xin gửi tới bạn đọc:
 |
Mô hình dệt của người Mông được phục dựng tại bảo tàng.
|
 |
Mô hình nghề nón làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Cách đây vài thế kỷ, nón làng Chuông nức tiếng khắp Thăng Long, vùng trung du và vùng đồng bằng miền Bắc.
|
 |
Mô hình chợ Đồng Văn. Chợ được xây dựng từ những năm 20 thế kỷ XX, gồm những dãy nhà xây bằng đá và lợp ngói âm dương, được bố trí theo hình chữ U, ở giữa thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hàng hóa ở chợ rất đa dạng, có nhiều loại sản vật địa phương. Phiên chợ vui như ngày hội.
|
 |
Hiện vật múa rối nước. Con rối làm bằng gỗ sung, một loại gỗ nổi trên mặt nước, được sơn màu thích hợp, có hình thù ngộ nghĩnh với nét hài và tính tượng trưng cao. Các trò diễn được mở đầu bằng giới thiệu của chú Tễu, mô tả những sinh hoạt thường ngày của làng quê.
|
 |
Đồ gốm trưng bày tại bảo tàng.
|
 |
Túi da thú và bầu đựng thuốc súng của người Khơ Mú, Sơn La.
|
 |
Mô hình nhà của một số dân tộc thiểu số và các vật dụng săn bắt và hái lượm.
|
 |
Căn nhà năm gian có chiều cao thấp của người Việt. Theo tục xưa, nhà không được cao hơn đình.
|
 |
Khu bếp trong nhà người Việt.
|
 |
Giếng khơi, nét đặc trưng của người Việt.
|
 |
Nhà Rông của người Ba Na có sức hút lớn với các du khách.
|
 |
Nhà dài của một gia đình người Ê đê ở Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc (42m) được phục dựng tại bảo tàng.
|
 |
Mô hình nhà mồ Gia Rai, Tây Nguyên. Trong nhà mồ này có thể chôn khoảng 30 người chết. Bên trong, các ché, bát, đĩa, chai, chén và mô hình dụng cụ lao động là những đồ dùng cho cuộc sống của người quá cố.
|
 |
Nhà người H'Mông.
|
 |
Đường gạch Lai Xá (Thanh Oai, Hà Nội) tại bảo tàng. Xưa kia, việc cưới xin của các làng Bắc Bộ thường có tục "nộp cheo": Con trai muốn cưới con gái làng khác thì phải đóng góp cho làng đó một đoạn đường gạch. Nhiều con đường cổ của người Việt được xây dựng từ tập tục này.
|
 |
Múa rối nước, một sáng tạo độc đáo của người Việt Nam, thu hút được nhiều người xem tại bảo tàng.
|
Bài, ảnh: NGUYỄN THẢO