QĐND - Ba mươi năm đầu của thế kỷ XX là thời điểm quan trọng đối với các ngành khoa học xã hội ở Việt Nam. Đây là giai đoạn đội ngũ trí thức người Việt bắt đầu viết những tác phẩm mới mẻ theo tinh thần phương Tây nhưng rất gần gũi với tâm hồn dân tộc. Do đặc thù là những người “mở đường” nên những cây bút thời kỳ này một lúc có thể thực hiện nhiều vai trò khác nhau: Nghiên cứu triết học, nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu lịch sử, viết báo, viết văn, giảng dạy kiêm nghiên cứu sư phạm… Một trong những cây bút nổi bật thành công trên nhiều lĩnh vực ở giai đoạn này là nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà báo, dịch giả Trúc Khê (1901-1947).
Trúc Khê tên thật là Ngô Văn Triện, sinh ngày 22-5-1901, tại làng Thị Cẩm, xã Phương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), trong một gia đình làm nghề nông và tiểu thủ công.
 |
Phố Trúc Khê tại Hà Nội. |
Năm 11 tuổi, Trúc Khê học trường công Pháp-Việt và thi đỗ khóa sinh. Những năm sau, ngoài học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp ở trường, ông còn tự học tiếp chữ Hán, đồng thời đi làm thợ đan đăng ten, rồi làm thợ đóng sách ở Nhà in Thực nghiệp để phụ giúp gia đình. Năm 19 tuổi, ông viết bài báo đầu tiên “Cải lương hương tục” đăng trên tờ Trung Bắc tân văn.
Là một người trí thức yêu nước, Trúc Khê định lập Đảng Tân Dân, chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, sau khi gặp nhà yêu nước Phạm Tuấn Tài (1905-1937), chủ của cơ sở xuất bản Nam Đồng thư xã, Trúc Khê gia nhập nhóm này. Một thời gian sau, Nam Đồng thư xã phát triển thành Việt Nam Quốc dân Đảng, ông trở thành đảng viên. Đồng thời, năm 1928, Trúc Khê thành lập Trúc Khê thư cục để tự xuất bản sách của mình. Vì những hoạt động yêu nước tích cực, năm 1929, Trúc Khê bị thực dân Pháp bắt giam, chịu án tù 2 năm và 5 năm quản thúc.
Hết hạn tù và suy ngẫm về sự thất bại của Việt Nam Quốc dân Đảng qua cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, Trúc Khê từ bỏ các hoạt động chính trị, hoàn toàn đi theo con đường nghiên cứu, viết báo, viết sách của mình. Ông đã viết khoảng 60 tác phẩm, không kể các bài viết bình luận và biên khảo đăng rải rác trên các báo với những bút danh: Kim Phượng, Ngô Sơn, Đỗ Giang, Khâm Trai… Về sáng tác văn chương, ông có tập thơ “Chợ chiều”, tạp văn “Hồn quê” (2 tập), các tiểu thuyết “Nét ngọc”, “Trăm lạng vàng”, “Đò chiều”…; biên khảo có “Thánh Gan-đi và cuộc vận động độc lập ở Ấn Độ”, “Hùng Vương diễn nghĩa”, “Tình sử Việt Nam”…
Hiện nay, các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng, Trúc Khê có hai đóng góp rất quan trọng, còn có giá trị đến ngày nay là dịch thuật và viết truyện ký danh nhân. Ở mảng dịch thuật, với kiến thức Hán học uyên thâm, ông đã dịch nhiều tác phẩm của nhà văn lớn thời trung đại của Việt Nam và các tân thư từ Trung Quốc như: “Ức Trai thi văn tập” của Nguyễn Trãi, “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, “Mắng kẻ bàng quan” của Lương Khải Siêu… Những dịch phẩm này có giá trị mẫu mực về văn phong, có độ chính xác cao, được tái bản nhiều lần. Ở mảng truyện ký danh nhân, ông đã viết những cuốn sách giá trị như: “Cao Bá Quát”, “Trần Thủ Độ”, “Nguyễn Trãi”… Truyện ký danh nhân với yêu cầu tuyệt đối trung thành với sự thật lịch sử nên Trúc Khê đã bỏ ra nhiều công sức sưu tầm tài liệu; đồng thời, khi viết về danh nhân, ông còn đưa ra những nhận xét chính xác, đúng mực, được độc giả nhiều thế hệ yêu thích.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Trúc Khê tích cực tham gia cách mạng, hoạt động trong phong trào truyền bá Quốc ngữ. Năm 1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông cùng gia đình lên chiến khu, phục vụ kháng chiến và cách mạng. Nhưng rồi, ông lâm bệnh và qua đời năm 1947, khi mới 46 tuổi. Để ghi nhớ những đóng góp cho văn hóa, văn học nước nhà với tinh thần yêu nước mãnh liệt của Trúc Khê, UBND TP Hà Nội đã đặt tên ông cho một con phố tại quận Đống Đa.
Bài và ảnh: LA DUY