QĐND - Biết tôi có dịp công tác ở Hà Nội, người bạn học cũ gọi điện rủ: Cuối tuần cậu đi với gia đình tớ tham quan làng gốm cổ Bát Tràng nhé! Ở đây không chỉ tham quan, mua đồ gốm, sứ, mà còn tha hồ vuốt, nặn, vẽ, tô nếu thích. “Ơ hay, cái thằng này, ở đó là làng gốm, có chợ gốm, tớ đi tham quan còn tranh thủ mua ít đồ gốm Bát Tràng. Cớ chi ra đó làm thợ hồ à?”- Đang thắc mắc thì giọng bạn cắt ngang: “Cậu yên tâm, không chỉ mua mà còn có dịp được thử làm nghệ nhân gốm, sứ!”. À ra thế! Tôi buộc miệng khi hiểu ra ý đồ của bạn.

Như đã hẹn, cuối tuần, chúng tôi qua cầu Chương Dương, đi theo con đê sông Hồng hơn 10km, làng gốm hiện ra êm đềm với những vườn cây xanh trải dọc triền sông. Trung tâm làng gốm Bát Tràng không như tưởng tượng của tôi là những mái nhà thấp đơn sơ, những lò nung gốm sứ bốc khói nghi ngút mà là những dãy nhà tầng san sát như ở phố, những cửa hàng gốm sứ bày biện đủ loại sản phẩm gốm sứ đa dạng, đẹp mắt. Con đường chính đi vào trung tâm UBND xã Bát Tràng là phố cửa hàng gốm sứ, đi sâu vào nữa là con đường liên thôn nối từ thôn Giang Cao đến thôn Bát Tràng, nơi có chợ gốm sứ lớn nhất cả nước. Các cửa hàng gốm sứ bày biện nhiều sản phẩm hiện đại, đẹp mắt. Xem ra Bát Tràng đã đô thị hóa rồi chứ không gọi là làng như suy nghĩ của tôi.

Trẻ em ngồi “vuốt, nặn, vẽ” ở một điểm dịch vụ ở làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội).
"Cúp vàng" được sản xuất ở làng gốm Bát Tràng phục vụ nhu cầu mùa World Cup 2014.

Tham quan một lúc, anh bạn mới dẫn tôi đến chủ đề chính là muốn giới thiệu cho tôi cái khoản “vuốt, nặn, vẽ” như đã nói. Quả thật, không chỉ bày bán sản phẩm gốm, sứ, nhiều cửa hàng, gia đình nghệ nhân mở dịch vụ “vuốt, nặn, vẽ” ngay tại nhà. Dịch vụ này được hình thành mấy năm nay, giờ lan ra khắp xã. Đến nay có khoảng 40 điểm “vuốt, nặn, vẽ”. Giá cho một buổi tha hồ “vuốt, nặn, vẽ” chỉ mất từ 30.000-35.000 đồng. Nhiều cửa hàng dành hẳn một khoảng sân rộng để làm nơi cho du khách có thể thỏa sức sáng tạo với vuốt, nặn, vẽ, tô các sản phẩm gốm sứ. Chỉ cần có đất cùng với bàn xoay, dao, chày gỗ là “thợ” có thể biến hóa đủ loại sản phẩm bát, ly, lọ, bình, đĩa theo hướng dẫn của thợ gốm chuyên nghiệp.

Cửa hàng chúng tôi vào là của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa ở xóm 3, thôn Giang Cao, xã Bát Tràng. Đây được xem là nơi có không gian vuốt, vẽ, tô khá rộng rãi của làng. Trong cửa hàng còn bày biện nhiều loại sản phẩm gốm, sứ đa dạng, đặc sắc. Ngày cuối tuần nên điểm “vuốt, nặn, vẽ” này khá đông khách, già có, trẻ có. Thường là đi theo nhóm gia đình hoặc nhóm thanh niên, học sinh. Đông nhất là trẻ em. Trẻ em được cha mẹ đưa đến Bát Tràng để con được tập làm thợ gốm.

Bạn tôi là một kỹ sư xây dựng, gia đình thường có thói quen về Bát Tràng những ngày cuối tuần hoặc lễ, nói rằng đến đây, vừa được hòa vào không gian làng nghề truyền thống, vừa giúp mấy đứa nhỏ vui chơi, tập làm gốm, sứ. Đi lần đầu, lần hai, mấy đứa con anh mê mấy cái trò này lúc nào không hay. Đây là một trò chơi giải trí bổ ích, mang nhiều ý nghĩa giáo dục cần được khuyến khích, nhân rộng, được nhiều người biết đến.

Quả thực, nhìn những trẻ em và các nhóm thanh niên ngồi say mê vuốt, nặn những cục đất thành hình bát, cốc, đĩa, tượng hình con vật…, rồi chăm chú tô vẽ những sản phẩm do mình làm ra ở chính làng gốm truyền thống từ bao đời nay thì chắc những nghệ nhân lâu đời nơi đây mừng vui vì nghề truyền thống được giới trẻ yêu thích, những nhà quản lý văn hóa cũng phải hưởng ứng, khích lệ. Làng gốm cổ giờ đây không chỉ sản xuất, bán sản phẩm trong nước và xuất khẩu mà còn trở thành nơi để giáo dục, nuôi dưỡng truyền thống nghề gốm cổ qua những hình thức giải trí vuốt, nặn, vẽ đầy cuốn hút như thế.

Tôi đến đây đang là mùa World Cup, ở Bát Tràng có thêm một sản phẩm nhiều người ưa thích là cúp vàng World Cup thương hiệu Bát Tràng. Một nghệ nhân ở đây chia sẻ, sản phẩm này đang rất “cháy hàng”, sản xuất không kịp do thị trường ưa chuộng. Cúp được làm bằng thạch cao và tô màu vàng rất đẹp, được trang trí y như chiếc cúp vàng World Cup thật hoặc thêm một số hoa văn đặc trưng văn hóa Việt Nam. Nhiều khách du lịch đến đây cũng nằng nặc đòi được tự mình làm cúp vàng World Cup để đem về làm kỷ niệm.

Xem ra, nghệ nhân làng gốm cổ Bát Tràng nay đã thức thời, đã nhạy bén với thị trường, lại có những hoạt động giáo dục truyền thống làng nghề mang nhiều ý nghĩa đến thế. Chia tay Bát Tràng cùng món quà là chiếp cúp vàng World Cup thật đẹp, màu vàng lấp lánh. Sản phẩm đặc sắc, rất thức thời trên nền truyền thống gốm cổ lâu đời của cha ông.

Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN