Theo những sách xưa truyền lại, người có công đưa nghề khảm trai về làng Chuôn Ngọ là Trương Công Thành (1053-1099), một vị tướng thời nhà Lý. Sau khi theo Lý Thường Kiệt đi đánh trận tại Châu Ung và Châu Khiêm thắng lợi trở về, ông được ban thưởng tước hiệu Phổ Quang Bá Tuấn. Ông gác kiếm từ quan, đi chu du khắp thiên hạ, đến các bãi biển, triền sông nhặt vỏ trai, vỏ ốc lấp lánh các sắc màu, ông mang về cắt mài, gọt dũa, ghép dán các hình chim muông, hoa lá, cây cảnh sơn thủy hữu tình vào các vật dụng và đồ thờ cúng. Dần dần nghề khảm trai hình thành, ông mang nghề truyền dạy cho dân làng. Từ đó, làng Chuôn Ngọ có nghề khảm trai, có việc làm, đời sống ngày càng ấm no. Hiện nay, tại làng Chuôn Ngọ có đền thờ ông, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử từ năm 1996. Dân làng suy tôn ông vừa là Tổ nghề khảm trai, vừa là thành hoàng làng.
|
|
Quang cảnh tại xưởng khảm trai. |
Cũng như bao người dân trong làng Chuôn Ngọ, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dũng, đời thứ 5 của một gia đình với truyền thống làm nghề khảm trai, ngay từ nhỏ ông đã sớm được ông bà, cha mẹ dạy bảo nghề khảm trai và cứ thế ông lớn lên cùng với nghề. Với bàn tay tài hoa, khéo léo của mình, ông đã thổi hồn vào những mảnh trai, ốc, gọt dũa thành những bức tranh sống động, có hồn.
Nghề làm khảm trai gỗ có 6 công đoạn cơ bản, bao gồm: Vẽ mẫu cho bức tranh, sau đó cắt các mảnh trai, ốc thành các chi tiết của của tác phẩm. Thợ đục sẽ dùng dùi vạch đục gỗ và gắn trai vào gỗ. Tiếp theo là khâu tách, người nghệ nhân sẽ tách tạo đường nét trên những mảnh trai cho tác phẩm, từ những chi tiết nhỏ nhất như sống lá, quần áo, đến các đường nét khuôn mặt. Sau đó là dùng sơn ta đánh lại, để khô 1 ngày và đánh vecni là công đoạn cuối cùng.
Ngày nay, khảm trai ở làng Chuôn Ngọ không còn quá thịnh hành như trước đây, nhưng những tác phẩm ở đây đều có giá trị, độ thẩm mỹ cao. Để đạt được điều đó, mỗi người thợ cần phải thật sự yêu nghề và luyện tập lâu năm. Ông Nguyễn Xuân Dũng tâm sự: “Nghề khảm trai rất kén người học, không phải ai cũng kiên trì để làm nghề đạt tới mức thuần thục. Một người học, làm thuần thục được một khâu, có thể phải mất đến 6-7 năm trời và mỗi người chỉ có thể làm được nhiều nhất 1 đến 2 khâu”.
|
|
Ông Nguyễn Xuân Dũng đang tỉ mỉ cắt các chi tiết. |
Chuôn Ngọ vẫn nổi tiếng với những sản phẩm mang tính độc đáo và cổ truyền, lưu truyền của làng nghề, đó là sập, gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối… Đây là những sản phẩm luôn giữ được vẻ đẹp cổ, sang trọng, tinh tế, thể hiện tài năng của người nghệ nhân với những kĩ thuật từ ông cha truyền lại. Những sản phẩm cao cấp này vì thế rất kén thị trường.
Các nghệ nhân ở làng cho biết: Một bức tranh tùy kích thước sẽ có thời gian hoàn thành khác nhau, nhưng một sản phẩm trung bình độ 1 tháng để hoàn thiện một tác phẩm. Từ những khâu ban đầu đơn giản như lên ý tưởng, cắt ghép các chi tiết đến ghép, mài thành sản phẩm hoàn chỉnh. Ở mỗi khâu, người khảm trai đều phải làm tỉ mỉ nắn nót, để những chi tiết đó luôn có hồn.
Hiện nay, tuy không còn hưng thịnh như trước đây, nhưng sức sống của một làng nghề truyền thống vẫn còn mãi với thời gian, để những người Hà Nội vẫn có thể tự hào về một làng nghề độc đáo, với những sản phẩm tinh xảo hiếm nơi nào có được. Khi xã hội ngày càng phát triển, nghệ nhân trong làng cũng tự nâng cao tay nghề để tạo ra những sản phẩm tinh xảo hơn như tranh phong cảnh non nước hay đặc biệt là tranh chân dung truyền thần.
Dù qua bao thăng trầm cùng với sự phát triển của đất nước, nghề khảm trai ở làng Chuôn Ngọ vẫn đứng vững và ngày càng phát triển. Những nghệ nhân tâm huyết như ông Nguyễn Xuân Dũng luôn đau đáu việc gìn giữ những tinh hoa của nghệ thuật khảm trai, truyền nghề để người làng không chỉ phát triển kinh tế mà còn bồi đắp, phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống. Để vẻ đẹp của khảm trai Chuôn Ngọ sẽ được lưu truyền đến mãi mai sau.
Bài, ảnh: TRỊNH NGHĨA - VÂN ANH