Phóng viên (PV): Triển lãm tranh “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội mỗi ngày thu hút đông đảo người xem, chị đánh thế nào về triển lãm nghệ thuật đa phương tiện đầu tiên của danh họa nổi tiếng này?
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Tôi nghĩ rằng, triển lãm này thể hiện sự tri ân đối với danh họa nổi tiếng của nước nhà. Tác phẩm của ông đã được công chúng đón nhận và có vị thế trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.
Đến với triển lãm, người xem được trải nghiệm nghệ thuật theo cách hoàn toàn mới: Tận hưởng các tác phẩm nổi tiếng của danh họa Bùi Xuân Phái thông qua những tiến bộ về khoa học và công nghệ. Thay vì “đến xem”, “đến ngắm” các tác phẩm nghệ thuật theo cách truyền thống, tại triển lãm này, khách tham quan được “nhúng” mình vào từng tác phẩm nghệ thuật, được trải nghiệm cảm giác như chính mình là một nhân vật trong đó. Các ứng dụng công nghệ đa dạng, gồm cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần kích thích các giác quan, khiến người thưởng thức thực sự được đắm chìm trong thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ. Từ đó có những cảm nhận chân thực hơn, mới mẻ hơn về tác phẩm của bậc thầy trong nền hội họa Việt Nam.
Là một họa sĩ, đồng nghiệp của danh họa Bùi Xuân Phái, tôi rất vui bởi tác phẩm của ông đã được thế hệ đương thời yêu thích. Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện đầu tiên về tranh của danh họa Bùi Xuân Phái mang đến trải nghiệm nghệ thuật theo cách hoàn toàn mới, ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất để tái hiện một không gian nghệ thuật ấn tượng cho người xem. Gần 200 bức tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đã được số hóa và trình chiếu nhờ công nghệ 3D.
    |
 |
Họa sĩ Đặng Thị Khuê và danh họa Bùi Xuân Phái. |
PV: Được biết vào năm 1984, khi thị trường mỹ thuật nước nhà chưa phát triển như hiện nay nhưng bà và danh họa này đã tổ chức một triển lãm tranh Bùi Xuân Phái. Bà có gặp có khăn gì khi thực hiện triển lãm này?
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Trước đây, mọi tác phẩm không ai bảo ai đều vẽ theo cảnh tả thực, nghĩa là theo cách vẽ tranh để đạt yêu cầu tuyên truyền. Tôi nghĩ, nghệ thuật có thế giới riêng, là một khía cạnh trong đời sống tinh thần và phản ánh chân thực các mặt của cuộc sống. Vì thế, để đưa ra một tác phẩm đề tài chuyên về phố cổ, tĩnh vật sẽ là xa lạ với thực trạng thời đó.
Hồi đó, thị trường nghệ thuật chưa phát triển và cũng chưa có nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật như bây giờ. Người Việt xa quê nhớ về Hà Nội thường mua tranh của Bùi Xuân Phái để họ bù đắp vào trong tranh tình yêu, nỗi nhớ mảnh đất nghìn năm văn hiến. Vì thế vô tình Bùi Xuân Phái đã có lượng công chúng sưu tầm tranh của mình, thậm chí cả những người kinh doanh nghệ thuật. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi có ý định tổ chức triển lãm tranh Bùi Xuân Phái thì đã có một số nhà sưu tầm, kinh doanh nghệ thuật ngăn cản bởi họ muốn độc quyền các tác phẩm của Bùi Xuân Phái.
Lúc đó, khi chúng tôi chuẩn bị cho triển lãm gần xong thì họa sĩ Bùi Xuân Phái đến gặp tôi và nói rằng rất lăn tăn khi tổ chức triển lãm. Lúc đó, tôi còn rất trẻ nhưng cũng có đủ tự tin và khuyên ông vẫn tổ chức triển lãm. Sau đó, tôi tìm hiểu thông tin tại sao lại có sự ngăn cản tổ chức triển lãm thì được biết, do những nhà sưu tầm, họ muốn độc quyền bởi họ vẫn độc quyền để bán tranh và họ sợ rằng khi triển lãm tổ chức công khai, xã hội hóa tất cả sản phẩm này thì họ mất độc quyền. Đây là lý do rất vụn vặt. Cũng may chúng tôi quyết tâm thực hiện thì triển lãm mới diễn ra thành công.
Lúc đó, khi triển lãm diễn ra thành công, danh họa Bùi Xuân Phái đề nghị tôi chụp với ông một tấm ảnh kỷ niệm. Tuy chỉ là cái bắt tay thôi nhưng hàm chứa trong đó những khó khăn, vất vả của cả quá trình thực hiện triển lãm. Giờ đây, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã về cõi vĩnh hằng nhưng nhìn lại những bức ảnh chụp cùng ông, tôi rất xúc động.
    |
 |
Tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái trưng bày tại triển lãm. |
PV: Bà đánh giá thế nào về việc cách tân nghệ thuật trong tác phẩm Bùi Xuân Phái?
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Bùi Xuân Phái là người đầu tiên cách tân nghệ thuật ở Việt Nam để ra nhập với thế giới. Tôi nghĩ rằng, Bùi Xuân Phái và một số họa sĩ khác của Việt Nam là người mở đầu, chúng ta luôn phải biết ơn những người này bởi đã có công khai sáng ra việc cách tân nghệ thuật.
Ở triển lãm “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” lần này, Bảo tàng đã đi sâu, khai thác, minh họa tất cả những vấn đề “bếp núc” nghề nghiệp của Bùi Xuân Phái. Thông qua triển lãm, công chúng, các thế hệ sau này, các đồng nghiệp như tôi thấy được giá trị của Bùi Xuân Phái rất cụ thể.
Tôi thấy kỹ thuật trưng bày tranh Bùi Xuân Phái lần này ra đời đúng lúc. Cái hay nhất là tác phẩm được truyền bá, đầu tiên là truyền bá cho chính công chúng Việt Nam hiểu được giá trị chân thực của tác phẩm và sau đó để cho thế giới biết rằng nghệ thuật nước nhà đã có những thành tựu nhất định. Mỹ thuật có tác dụng lớn trong việc truyền bá di sản của Việt Nam ra thế giới để thế hệ sau hiểu rằng, Việt Nam có nền mỹ thuật như thế.
PV: Bà đánh giá thế nào về chất lượng tư liệu trong tranh Bùi Xuân Phái ở triển lãm này?
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Tôi là nghệ sĩ sắp đặt nên rất vui mừng khi thấy Ban tổ chức có ý tưởng khi xử lý, sử dụng mọi hình thức mà nghệ thuật hiện đại, đương đại có vào triển lãm. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 nên phải tận dụng tối ưu các phương tiện, hiện vật như các bảo tàng truyền thống thì mới để lại ấn tượng với người xem. Tôi rất cảm động khi đến đây, được xem lại những minh họa của ông. Dường như “hơi thở” của Bùi Xuân Phái vẫn đang hiện hữu.
Tôi nghĩ rằng, Ban tổ chức rất có ý tưởng khi tận dụng tối ưu các phương tiện để đạt mục tiêu cuối cùng là thâm nhập vào đời sống tinh thần của chính tác giả.
Tư liệu về Bùi Xuân Phái còn rất nhiều nhưng giá trị ở triển lãm này là lần đầu tiên công khai hóa hình thức triển lãm mới. Đây có thể coi là “đứa con” đầu lòng của triển lãm đa phương tiện về danh họa nổi tiếng của Việt Nam.
Tác phẩm của Bùi Xuân Phái rất đa dạng, phong phú, nếu tư liệu được tiếp cận nhiều hơn thì triển lãm sẽ phong phú hơn.
Tôi nghĩ rằng nếu sau này, Bảo tàng Hà Nội muốn tổ chức tiếp những cuộc triển lãm như này thì nên thu thập thêm nhiều tư liệu, còn nhiều lắm kho tàng tranh về Bùi Xuân Phái.
PV: Theo bà, những triển lãm như thế này có nên duy trì thường xuyên không?
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Theo tôi, nên tổ chức triển lãm từng tác giả để thấy tầm vóc của mỗi tác giả, tư duy, năng lực sáng tạo của họ. Riêng về minh họa báo của Bùi Xuân Phái đã vĩ đại lắm rồi. Tôi nghĩ rằng, Ban tổ chức phối hợp với các nhà sưu tầm tranh Bùi Xuân Phái thì tác phẩm trưng bày sẽ phong phú hơn rất nhiều. Như thế mới thấy chân dung đích thực của danh họa Bùi Xuân Phái.
Tôi mong những người thực hiện đừng chạy theo số lượng mà hãy giới thiệu từng người. Bùi Xuân Phái chưa phải là tác giả duy nhất, chúng ta hãy làm trọn vẹn một nhân vật, để thấy hiệu quả ra sao và thái độ của công chúng thế nào khi xem tác phẩm trưng bày tại triển lãm.
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)