Cổ Loa là mảnh đất đã hai lần được chọn làm Kinh đô, đó là Kinh đô nước Âu Lạc thời An Dương Vương và Kinh đô của Vương triều Ngô. Ngô Quyền xưng vương, đặt trăm quan, định ra triều nghi phẩm phục, đóng đô ở Cổ Loa với ý nghĩa phục hồi lại quốc thống. Ông là người tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X và có những đóng góp to lớn và tiến trình lịch sử dân tộc. Với mục đích làm sáng rõ hơn nguồn tư liệu thư tịch liên quan đến Ngô Quyền nói chung và giai đoạn Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa nói riêng, tiến tới kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô tại Cổ Loa kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc ở nước ta (939-2019), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước”, diễn ra sáng 25-3, tại Hoàng thành Thăng Long. Tham gia hội thảo có gần 100 đại biểu đại diện của Hà Nội, viện nghiên cứu, nhà khoa học với 16 tham luận đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến anh hùng dân tộc Ngô Quyền.
    |
 |
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Lan trả lời phỏng vấn tại Hội thảo. |
Âm vang chiến thắng Bạch Đằng
Ngô Quyền (897-944) còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.
Đã hơn một thiên niên kỷ trôi qua mà trận Bạch Đằng giang vẫn còn vang vọng. Âm hưởng ấy giữ mãi theo thời gian, còn mãi trong không gian bởi nó mang âm hưởng của lòng yêu nước nồng nàn, sự thông minh, sáng tạo của người Việt trong chiến đấu bảo vệ quê hương.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là cột mốc lớn của lịch sử chống ngoại xâm của đất nước, là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc.
PGS, TS Nguyễn Đức Nghệ (Viện Sử học) cho biết: Trong gần 6 năm cai trị của Ngô Quyền, triều đình Cổ Loa tương đối yên bình. Với tài năng và uy danh “diệt giặc trong nước để trả thù cho chúa, đuổi giặc ngoại xâm để cứu nạn cho nước, xây dựng quốc gia, khôi phục quốc thống, công nghiệp thật là vĩ đại”, Ngô Quyền đã khẳng định được vị thế của mình trước đội ngũ tướng lĩnh và quân dân. Những phức tạp về chính trị-xã hội trong nội bộ triều đình Cổ Loa và bên ngoài bắt đầu diễn ra sau khi Ngô Quyền qua đời.
Theo GS,TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ngay sau khi chiến thắng, từ cửa biển Bạch Đằng (Hải Phòng), Ngô Quyền kéo đại quân về đóng đô ở Loa Thành (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) để tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương-An Dương Vương, khẳng định quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc non trẻ vừa mới giành được. Đóng đô ở Cổ Loa, Ngô Quyền muốn dựa vào thành cao, hào sâu ở vị trí đầu mối của các luồng giao thông thủy bộ giữa trung tâm châu thổ sông Hồng, để triều đình có thể nắm chắc miền châu thổ mà vươn ra quản lý toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
Cần có một khu lưu niệm anh hùng dân tộc Ngô Quyền tại Cổ Loa
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Tiến sĩ Trần Việt Anh khẳng định: Sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa đã kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc của dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Sự nghiệp mở nước, xưng vương của Ngô Quyền dù chưa được nhận thức toàn vẹn, thì vẫn là một cột mốc lịch sử. Công lao của Ngô Quyền đã được nhiều nơi lập đền thờ tưởng nhớ. Tuy nhiên, tại mảnh đất Cổ Loa lịch sử, nơi Ngô Quyền chọn để định đô cho triều Ngô đến nay vẫn chưa có một công trình nào tưởng niệm ông.
Tiến sĩ Trần Việt Anh cho rằng: Một khu di tích lưu niệm về Ngô Quyền trong quần thể di tích Cổ Loa là việc cần sớm triển khai để ghi nhận công lao của vị tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Trần Việt Anh, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị: Những con người kiệt xuất như Ngô Quyền mới làm cho sông núi nước Nam mạnh lên và chôn vùi quân xâm lược. Việc dựng tượng, xây đền thờ phụng, tôn vinh vị vua mở đầu trang sử độc lập tự cường của dân tộc, vị vua đứng đầu các vua, vị Tổ trung hưng là một việc đáng làm và phải làm ngay.
Trong tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chiến (Hội Mỹ thuật Việt Nam) và ông Ngô Minh (Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long) cũng cho rằng, cần triển khai xây dựng và hoàn thành công trình tưởng niệm Ngô Quyền với triều đại Tiền Ngô tại Cổ Loa để nhân dân tri ân theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trân trọng vị Tổ trung hưng đất nước.
Tạo dựng một khu lưu niệm về Ngô Quyền ở Cổ Loa để nhân dân thắp hương tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã đánh thắng quân xâm lược là việc làm cần thiết và cũng là mong muốn của hầu hết các đại biểu, nhà nghiên cứu lịch sử tham gia Hội thảo này.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN