Đặc biệt, nhựa sơn được nâng tầm khi sử dụng trong trang trí đồ thủ công mỹ nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm sơn son thếp vàng có giá trị cao. Người có công truyền dạy nghề thủ công tinh xảo ấy là Tiến sĩ Trần Lư. Sau này, những người thợ sơn mài trong cả nước đã suy tôn là ông tổ nghề sơn.

Tìm về thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội), chúng tôi được cụ Dương Văn Phi là bậc cao niên trong làng lưu giữ nhiều tư liệu quý về lịch sử làng Bình Vọng. Khi được hỏi về ông tổ nghề sơn, cụ Phi giới thiệu những chi tiết được ghi chép trong cuốn “Bình Vọng Trần thị gia phả”. Trần Lư có tên là Lương, tự Tu Khê, sinh năm Canh Dần (1470), đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) đời Lê Hiến Tông. Tương truyền triều đình cử ông đi sứ nhà Minh, khi qua làng Quảng Mỹ, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ông học thêm được nghề vẽ sơn, kỹ thuật sơn thếp vàng, thếp bạc. Về nước, ông truyền dạy lại kỹ thuật sơn dầu, sơn quang, sơn mài cho bà con quê hương Bình Vọng. Nhờ tâm sức, tài năng của Tiến sĩ Trần Lư, kỹ thuật nghề sơn được nâng tầm trở nên tinh xảo. Ông đã từng viết bài thơ “Học hành họa nghệ tạ thi” để nói về sự điêu luyện trong làm nghề: “Thuật nga dị tựu long văn tuấn/ Họa điểu tăng quang phượng thái hòa” (dịch nghĩa: Tả con ngài đẹp tới vẻ rực rỡ của con rồng/ Vẽ con chim mang vẻ đẹp sáng trong của con phượng).

leftcenterrightdel
 Người dân Bình Vọng tự hào kể về ông tổ nghề sơn Trần Lư

Nhờ nắm được bí quyết nghề nên các thợ sơn Bình Vọng có tay nghề cao nổi tiếng trong vùng. Thuở trước, các thứ trang trí bằng sơn như đồ thờ tự, đồ trang trí trong đình, chùa, dinh thự, nhà thờ ở các tỉnh phía Bắc thường được cung cấp từ phường sơn Bình Vọng. Tiếp nối tổ nghề, nhiều thợ sơn của làng đạt đến độ tinh xảo như ông Đinh Vịnh (thế kỷ 17), Đào Thúc Kiên (thế kỷ 18) được triều đình trọng dụng đưa vào cung trang trí và dân kinh thành đặt hàng. Tiếng thơm vang xa, nhiều người ở nơi khác tìm đến Bình Vọng học nghề. Nhờ vậy, nghề sơn có điều kiện phát triển lan truyền đến nhiều làng thuộc huyện Thường Tín và một số địa phương ở Bắc Ninh, Nam Định. Người làng Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) còn đem nghề sơn lên phố Hàng Hòm lập nghiệp với việc sơn hòm gỗ, tráp đựng, câu đối, ngai thờ. Hiện tại, ở số 11, phố Hàng Hòm (Hà Nội) vẫn còn ngôi đình thờ Tiến sĩ Trần Lư do người dân Hà Vỹ tưởng nhớ tri ân tổ nghề lập lên.

Nghề sơn ở Bình Vọng phát triển rực rỡ nhất trong thời phong kiến. Các đồ thờ tự trong gia đình, nhà thờ họ, đình, chùa do bàn tay con cháu ở địa phương làm ra đạt giá trị thẩm mỹ cao. Người dân vì thế khấm khá nhờ nghề thủ công mỹ nghệ. Thế nhưng khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, giặc Pháp tràn vào đốt phá trụi làng. Ngôi nhà thờ Tiến sĩ Trần Lư trên đất Bình Vọng không còn nữa, sau chiến tranh còn sót lại một tấm bia song chữ đã mòn hết.

Tham quan ngôi đình phối thờ Tiến sĩ Trần Lư, ông Nguyễn Hồng Hải, Bí thư chi bộ thôn Bình Vọng chia sẻ: “Hiện nay, nghề sơn ở Bình Vọng đã bị mai một nhưng người dân trong làng vẫn tự hào về Tiến sĩ Trần Lư-người đã đặt nền móng cho nghề sơn thủ công mỹ nghệ. Tưởng nhớ tổ nghề, nhân dân Bình Vọng đã tôn thờ ông trong đình làng, hằng năm, xuân thu nhị kỳ đều tổ chức tế lễ trọng thể”. Người dân địa phương vẫn lưu truyền câu đối “Lưỡng độ hoàng hoa danh tiến sĩ/ Bách niên đan hoạch cố tiên dân” (nghĩa là: “Hai phen đi sứ lừng danh tiến sĩ/ Trăm năm son thắm dạy dỗ dân gian). Để vinh danh người có công với nghề sơn truyền thống, năm 2019, huyện Thường Tín đã đặt tên tuyến đường huyết mạch chạy qua địa bàn huyện mang tên Trần Lư. Nhiều phường sơn trong cả nước cũng thờ ông để tri ân tổ nghề.

Bài và ảnh: ĐỨC NAM