Đình Tường Phiêu có một đơn nguyên theo hình chữ “nhất”. Niên đại vào khoảng đầu thế kỷ 17, được sửa chữa vào thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Do vậy các kết cấu kiến trúc và các chi tiết trang trí mang đậm dấu ấn của thời kỳ này. Ban thờ Thành hoàng được bài trí ở gian giữa, trong phạm vi hai cột cái sau ra tới cột quân hoặc cột hiên. Điểm nhấn của đình là những hoa văn, họa tiết trang trí như hình rồng (phong cách thế kỷ 16), kỳ lân, hươu… đặc biệt là hình ảnh con người được chạm trên rường nhà. Đó là một người ở tư thế đứng, đi đất, mặc áo chùng, đội khăn xếp; một người ngồi xổm, chân dạng rộng, đội cơi trầu, cởi trần đóng khố. Tất cả đều được thể hiện ở trình độ nghệ thuật cao, đậm chất dân gian. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ cho rằng: Những đường nét mỹ thuật được thể hiện ở đình Tường Phiêu là một gạch nối quan trọng gắn liền kiến trúc dân gian trong suốt nhiều thế kỷ. Đình Tường Phiêu với những hoa văn họa tiết có giá trị cao về mặt mỹ thuật cũng như kiến trúc được đánh giá là một trong những viên ngọc của kho tàng di sản kiến trúc gỗ ở Hà Nội, là “chất liệu quý” cho những nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đình làng xứ Đoài.

leftcenterrightdel
Đình Tường Phiêu. Ảnh: Trần Tùng

Không chỉ độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, đình Tường Phiêu với vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư, còn là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo gắn kết với việc phụng thờ vị phúc thần Tản Viên sơn thánh. Trong đó phải kể đến lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hằng năm với các lớp văn hóa tích hợp trong thần tích và lễ hội gồm: Lớp văn hóa thần thoại về tam vị thánh Tản, lớp văn hóa tín ngưỡng thờ thần núi, lớp văn hóa nông nghiệp, lớp văn hóa thờ cúng tổ tiên… Đặc biệt, lễ hội đình Tường Phiêu còn có mối liên hệ gần gũi với lễ hội Đền Và-một lễ hội lớn vào bậc nhất của dải đất xứ Đoài. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng phần hội vẫn duy trì được nhiều nghi thức độc đáo, phản ánh đời sống của cư dân lúa nước cùng các trò chơi dân gian độc đáo.

Với những giá trị đặc biệt đó, đình Tường Phiêu đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1820/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ. Trong không khí xuân vui ngập tràn đón Tết Kỷ Hợi, nhân dân xã Tích Giang đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận này. Với di tích đình Tường Phiêu, Hà Nội đã nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt lên con số 14.

NGUYÊN PHONG