Hai thứ đó đun sôi uống thay nước hằng ngày rất lợi sữa”. Nước chè vằng với đinh lăng màu vàng nâu sóng sánh, mới uống có vị ngăm ngăm, sau mới ngòn ngọt trong khoang miệng. Đúng là kinh nghiệm dân gian sử dụng vị thuốc Nam thật hiệu quả, chỉ vài hôm là sữa về nhiều. Cũng chính từ lần đó tôi mới quen người bán các cây lá thảo dược ngoài chợ Gia Lâm.
    |
 |
Khu hàng bán cây lá dược liệu tại chợ Gia Lâm. |
Nằm cạnh đường Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội), chợ Gia Lâm luôn nhộn nhịp người qua lại. Khác với các chợ truyền thống trên địa bàn, ngoài bán các mặt hàng tiêu dùng, chợ còn có vài gian hàng chuyên bán các cây dược liệu là vị thuốc Nam. Đứng trước cửa hàng, cây lá dược liệu tỏa mùi thơm thoang thoảng. Không xô bồ như ở hàng rau, thịt, cá, những cửa hàng dược liệu thỉnh thoảng mới có người ghé vào. Người thì mua bó hương nhu, ngải cứu, sài đất, mần trầu. Người thì chọn nắm chè xanh, đơn lá đỏ, cúc tần, bồ công anh. Những cây lá dược liệu tươi được nhập về từ các làng ở vùng ngoại ô thuộc huyện Gia Lâm, Đông Anh (TP Hà Nội). Còn dược liệu khô như kim tiền thảo, xạ đen, hà thủ ô, giảo cổ lam ở các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Kạn mang xuống.
Theo kinh nghiệm dân gian, vị thuốc Nam lành tính, sử dụng thuận tiện. Chẳng hạn người bị cảm cúm, nhức đầu có thể mua các loại lá sả, tre, bưởi, hương nhu… về đun nước xông giải cảm. Trẻ nhỏ mới sinh thì đun nước lá kinh giới, chè xanh tắm mát da, lành mụn sữa. Người sỏi thận uống kim tiền thảo, râu ngô, mã đề. Các dược liệu nước Nam có những công dụng thiết thực nên nhiều người vẫn tin dùng. Cô Nguyễn Thị Lan đã có kinh nghiệm mấy chục năm bán cây dược liệu, tâm sự: “Khách mua hàng chủ yếu là những người lớn tuổi vốn có kinh nghiệm dùng vị thuốc Nam. Còn người trẻ bây giờ hay mua thuốc Tây sử dụng, tiện lợi đấy nhưng uống vào hại người lại dễ nhờn thuốc, trong khi đó những bệnh thông thường chỉ nắm lá dược liệu, gói thuốc Nam sắc uống là khỏi ngay. Thế nên người nào biết dùng vị thuốc Nam, cây dược liệu áp dụng vào cuộc sống sinh hoạt thì rất có lợi cho sức khỏe”. Tuy hiểu về đặc tính của từng vị dược liệu bày bán, nhưng những người bán hàng ở chợ Gia Lâm không bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc. Ai cần thứ cây, lá gì thì giới thiệu công dụng và tư vấn cho người mua.
Từ xưa, các vị danh y vẫn khuyến khích việc dùng “Nam dược trị Nam nhân”. Vị thuốc Nam không độc, dễ uống, chủ yếu là các loại cỏ, cây, hoa, lá có trong đời sống hằng ngày. Ông Đặng Văn Bàn ở phường Gia Thụy, quận Long Biên, chia sẻ: “Ngày trước ở quê, gia đình nào cũng có vài cây dược liệu vừa là rau gia vị nhưng khi cần có thể trở thành vị thuốc chữa bệnh. Giờ phố phường đông đúc, tìm được vị thuốc Nam trồng tự nhiên không phải dễ. Rất may ở góc chợ Gia Lâm, những cửa hàng thuốc Nam vẫn còn hoạt động đáp ứng nhu cầu của bà con trên địa bàn. Khi mắc những bệnh đơn giản, chúng tôi thường hay mua các loại dược liệu tự nhiên, vị thuốc Nam để chữa trị”.
Việc sử dụng dược liệu trong sinh hoạt giúp cải thiện sức khỏe, phù hợp với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi người tự bảo vệ sức khỏe của mình thông qua ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Dẫu không nhộn nhịp đắt khách nhưng những người bán dược liệu ở chợ Gia Lâm vẫn bền bỉ gắn bó với từng nhành cây, nắm lá, ngọn cỏ, coi đó như việc gìn giữ những vị thuốc Nam quý của cha ông truyền lại để phục vụ nhân dân.
Bài và ảnh: NAM THƯ