Một chiếc ghế dựa, một chiếc gương không quá to, chiếc kéo, cái dao cạo và một vài đồ đạc đơn giản khác như bình xịt nước, tấm khăn,… đó là tất cả “hành trang” mỗi ngày của người thợ cắt tóc vỉa hè. Ngay chính tên gọi đã mô phỏng chính xác địa điểm làm của họ, đó là vỉa hè. Nhắc đến hai chữ “vỉa hè”, dường như biết bao yêu dấu lại ùa về trong mỗi người. Quả thật, ở cái đất kinh kì này vỉa hè có một vị trí vô cùng đặc biệt, không phải vị trí về địa lý, mà là vị trí trong văn hóa cũng như trong tiềm thức của người dân thủ đô nói riêng và tất cả những người từng đặt chân đến Hà Nội nói chung. Vỉa hè, nơi hằn in dấu chân của các cặp tình nhân, nơi những chiếc lá mùa thu vấn vương say lòng người, nơi những gánh hàng quen chờ đợi, nơi những con người nhọc nhằn mưu sinh….
Xưa, những người làm nghề cắt tóc trên vỉa hè được gọi là “ thợ cạo” và cái tên ấy đã theo chân nhiều cây bút xuất hiện trên các trang báo thế giới như những con người góp phần tạo nên một nét văn hóa riêng có của đất Thăng Long. Trẻ con bây giờ có thể không biết tại sao lại có những chiếc ghế đặt trên hè phố, những chiếc gương treo trên thân cây cổ thụ hoặc trên một bức tường nào đó... nhưng thế hệ từ 9x đổ về trước chắc hẳn không thể nào không biết đến những người cắt tóc trên vỉa hè, nhất là đấng mày râu bởi họ chính là khách hàng của những người thợ này. Gọi là thợ cạo, có lẽ một phần do ngoài cắt tóc họ còn có thêm dịch vụ cạo mặt.
    |
 |
Thợ cắt tóc vỉa hè, người không chỉ làm đẹp cho đời mà còn góp phần làm nên “chất Hà Nội” của thủ đô ngàn năm văn hiến. Ảnh: nhandan.com.vn |
Thời kỳ được coi là hoàng kim của người thợ cạo là vào cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, khi ấy, cắt tóc vỉa hè còn được coi là “đặc sản” của thủ đô, đến nỗi người ta chỉ cần nghe tiếng kéo là biết tay thợ này khéo hay không. Tuy trước kia không có các loại kiểu cách như hiện nay mà chỉ có kiểu cắt chân phương, hoặc cùng lắm là húi cua nhưng không có nghĩa ai cũng có thể làm được việc này. Bởi trên thực tế, tay kéo lành nghề còn phải kết hợp với óc thẩm mỹ và tư duy sáng tạo, đồng thời hiểu rõ quy luật về cấu trúc hộp sọ đối với mái tóc thì mới tạo nên người thợ tài hoa. Cùng là cái kéo, cái lưỡi cạo, cùng một kiểu tóc nhưng qua tay người thợ này khách hàng lại đẹp hơn do cải thiện được khiếm khuyết về hộp sọ cũng như khuôn mặt, ngược lại, qua tay người thợ khác khách hàng trông có vẻ như bị ốm hoặc “sai sai”. Chẳng thế mà những người thợ cạo được ví như những nghệ sĩ trên hè phố, những con người mang đến cái đẹp cho đời.
Anh N.M.Đức, quận Hai Bà Trưng cho biết: “ Trước kia các tiệm tóc đa số chỉ dành cho phái nữ, làm gì có tiệm tóc cho nam giới đâu, nếu có thì những trí thức như chúng tôi cũng không đủ khả năng để vào đó mỗi tháng 2 lần. Và mỗi người lại gắn bó với một bác thợ quen,để rồi cứ đến hẹn lại lên, tự tìm về nơi góc phố quen thuộc cũng chiếc ghế thân thương.” Trong khi đó, anh N.H.Anh, quận Ba Đình – Hà Nội lại gắn bó với bác thợ cạo trên phố cổ, anh chia sẻ: “Hiện nay có quá nhiều sự lựa chọn để được hưởng các dịch vụ tốt tại các salon xịn, ấy thế nhưng với nhiều người, có cho “thêm tiền”họ cũng vẫn không từ bỏ người nghệ sĩ của mình. Tôi cũng thế thôi, tôi không thích các salon cao cấp hiện nay. Dù dịch vụ của họ rất tốt và tôi đủ khả năng tài chính nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác không thoải mái khi ở trong đó. Tôi chỉ luôn thích ngồi trên hè phố, vừa được cắt tóc lại vừa được ngắm nhìn phố xá, vừa được hòa mình trong nhịp sống của Hà Nội”.
Thế kỷ 21 với nhiều thay đổi, các salon từ bình dân đến 5 sao mọc lên như nấm, không ít thợ cạo bỏ hè phố để vào salon, không ít người bỏ nghề vì không trụ được do gánh nặng kinh tế. Thế nhưng, bên bức tường vàng cũ kĩ rêu phong nào đó, bên gốc cây đại thụ nào đó, ta vẫn nghe thấy tiếng kéo khi thì lách cách, khi thì xoèn xoẹt. Thứ âm thanh như xóa tan mọi xô bồ của cuộc sống, dường như tất cả phút chốc thu lại ở cái “Hà Nội cũ” bên trong “Hà Nội mới”.
Những người còn theo đuổi nghề đa phần là các bác, các ông lớn tuổi, có người đã hơn 40 năm cầm kéo. Nói là vì mưu sinh cũng đúng, nhưng thực chất họ theo nghề vì yêu nghề và vì đam mê mới đúng. Nếu không vì yêu họ sẽ chẳng quản nắng, mưa, gió rét để được làm đẹp cho mọi người tại salon “ngàn sao” của mình, thậm chí có người còn tranh thủ lúc vắng khách để làm các công việc khác, kể cả chạy xe ôm, để kiếm thêm thu nhập trong thời buổi thợ vắng khách thưa hiện nay. Nếu chỉ thoáng qua, không ít người cho rằng thợ cạo vỉa hè là công việc lao động tay chân có phần không được coi trọng, ấy thế nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Trước đây từng có người thợ cạo vinh dự được chọn là người chăm sóc mái tóc theo hầu vua Bảo Đại. Và có một thực tế là không ít “nhà tạo mẫu”nổi tiếng hiện nay vốn xuất thân từ thợ cạo trên vỉa hè. Dù hiện nay công nghệ phát triển, kinh tế đi lên, giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận và học hỏi nhiều từ thế giới, song, kinh nghiệm từ nhiều năm “cầm kéo” của các tiền bối mới là yếu tố quyết định để cho ra đời các mẫu tóc đẹp và hợp thời.
Tuy số lượng thợ cắt tóc trên vỉa hè Hà Nội chỉ còn gần một nửa so với trước đây nhưng họ vẫn thật đáng quý. Nếu như nghệ sĩ là những người làm nghệ thuật và việc mang đến cái đẹp cho đời là một nghệ thuật thì chẳng phải những thợ cắt tóc vỉa hè chính là các nghệ sĩ tài hoa sao? Họ không những đam mê mang đến cái đẹp cho mọi người mà họ còn chính là những người góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa của Hà Nội. Một Hà Nội cũ đẹp bình yên và dung dị trong Hà Nội mới đầy sôi động. Một ký ức của ai đó mong tìm về, một sự cống hiến thầm lặng chưa bao giờ mong mỏi được tôn vinh…
QUỲNH TRANG