Anh chia sẻ: “Tôi yêu Hà Nội, hầu như không một ngõ ngách nào mà tôi không biết hay chưa đặt chân tới. Tôi luôn thấy Hà Nội gần gũi và còn có nhiều bí ẩn để mình khám phá, tìm tòi”.
Điều khiến người khác thấy hấp dẫn ở tranh của Vũ Đình Tuấn là năng lượng chuyển tải trên tác phẩm lụa bằng việc tạo ra không gian hư ảo, huyễn hoặc, gợi nhớ về những ký ức xa xăm, vừa gần gũi, thân thuộc nhưng lại có gì đó xa lạ, kỳ bí. Trong 8 lần làm triển lãm cá nhân liên tiếp những năm qua, Vũ Đình Tuấn có tới 7 lần tổ chức tại Hà Nội. Vì thế, nhắc tới Vũ Đình Tuấn là nhắc tới một họa sĩ Hà Nội, một sự hội tụ và lan tỏa văn hóa thường thấy ở mảnh đất nghìn năm văn hiến. Có một điều khá thú vị, Vũ Đình Tuấn không học chuyên ngành lụa, anh học đồ họa nhưng hiện nay đang là tên tuổi nổi bật ở lĩnh vực tranh lụa. Hay đúng hơn, anh là một họa sĩ tranh đồ họa mang hơi thở, sức sống mới cho tranh lụa. Vũ Đình Tuấn cho biết, anh học kỹ thuật vẽ lụa từ bạn cùng khóa. Trước đây, anh tuân thủ lối vẽ lụa của các cụ nhưng giờ đây, đó chỉ là một trong nhiều cách vẽ lụa mà anh thực hiện. Theo Vũ Đình Tuấn, các nghệ sĩ vẽ tranh lụa thường quen được nhìn thấy tranh lụa dạy thế nào vẽ thế ấy, không sáng tạo. Họ quen thấy trầm lắng, rồi không hiểu giới hạn của vẻ trầm lắng, biến lụa thành thứ yếu ớt. Thực ra, lụa không có giới hạn, không có một lối vẽ. Lụa luôn chờ đợi sự sáng tạo mới. Truyền thống không phải thứ để trói buộc, không phải là vết chân để muôn đời nối gót. Truyền thống là một giá trị trong nhiều giá trị. Bởi vậy, thế hệ hậu bối phải biết sáng tạo để thổi hồn vào những giá trị truyền thống, làm cho nó tươi mới, tạo ra sự mềm mại, trong trẻo mà vẫn khúc chiết trên bề mặt lụa.
|
|
Tác phẩm “Tam mã” của họa sĩ Vũ Đình Tuấn tham gia đấu giá tranh ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. |
Sinh ra trong gia đình không có truyền thống hội họa, Vũ Đình Tuấn đã tạo lập tên tuổi từ sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và hiện là giảng viên của nhà trường. Anh được giới trong nghề đánh giá cao, trân trọng tài năng; tranh của họa sĩ Vũ Đình Tuấn nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam… Mới đây, cùng với các nghệ sĩ Hà Nội, họa sĩ Vũ Đình Tuấn đã tham gia phiên đấu giá những tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch” do Báo An ninh Thủ đô phối hợp với các doanh nghiệp Hà Nội tổ chức, nhằm mang lại nguồn vật chất tiếp sức đội ngũ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Họa sĩ Vũ Đình Tuấn đã ủng hộ bức tranh “Tam mã” vừa sáng tác và 18 triệu đồng. Tác phẩm miêu tả gia đình ngựa, trong đó, những bước trưởng thành của ngựa con luôn có sự đồng hành của cha mẹ, thể hiện hạnh phúc trong một gia đình. Ngựa con hân hoan bên cha mẹ với những bước đi vững chãi và an toàn. Bên cạnh đó, bức tranh “Tam mã” cũng có ý chỉ cỗ xe phi nước đại đến sự thành công. Màu sắc trong tranh sử dụng ngũ sắc, đem đến sinh khí tốt lành, thịnh vượng. Họa sĩ Vũ Đình Tuấn hy vọng: “Trên trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19 đầy khó khăn, cả nước một lòng hướng về đội ngũ y tế, quân đội, công an… mọi đóng góp lớn, nhỏ của mỗi cá nhân trong lúc này đều giàu ý nghĩa. Bức tranh góp thêm sự may mắn và thành công cho công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam”.
Bài và ảnh: THU CÚC