Hàng ngàn năm qua, tơ lụa là sản phẩm thủ công đã gắn liền với lịch sử phát triển của người Việt. Từ truyền thuyết đến đời thường, từ tổ nghề “công chúa Thiều Hoa” con gái Vua Hùng thứ 6 đến bậc “mẫu nghi thiên hạ” Mẫu Liễu Hạnh đều gắn bó với việc dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Trải qua dâu bể thăng trầm cùng đất nước, ngày nay tơ lụa Việt Nam vẫn là sản phẩm mang tinh thần và sức sống của dân tộc.

Xuất hiện trên thị trường với các sản phẩm thời trang và phụ kiện lụa Việt Nam-De Silk được cho là cái tên khá mới mẻ. Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng những sản phẩm của thương hiệu này, người tiêu dùng, đặc biệt là người mê lụa Việt không khỏi ngạc nhiên bởi những nét tinh hoa truyền thống được kết hợp hài hòa trên kỹ thuật dệt tinh xảo, kỹ thuật cao. Một sự pha trộn phương Đông và phương Tây trong sự kết hợp mềm mại, nhuần nhuyễn giữa những nghệ nhân làng nghề dệt truyền thống với những nhà thiết kế tài năng, tỉ mỉ và đầy sáng tạo của Thụy Sĩ.

leftcenterrightdel
 Chị Văn Hằng cùng nhà thiết kế Minh Phạm tâm huyết với những sáng tạo đưa lụa Việt vươn xa.

Chủ nhân thương hiệu De Silk-chị Văn Hằng, từ lâu đã nuôi dưỡng mơ ước được sở hữu một thương hiệu lụa truyền thống của người Việt có thể vươn ra thế giới. Giấc mơ ấy càng thôi thúc chị hơn khi chứng kiến những giá trị, tinh hoa của lụa Việt ngày càng bị cạnh tranh, ảnh hưởng bởi các loại lụa nhập khẩu, hàng nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán tràn lan nhưng lạm dụng thương hiệu “made in Vietnam”. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới-ông Fei Jianming, trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan. Nhưng để có “tiếng nói”, thì lụa của Việt Nam phải bước thêm một bước mới hơn so với những năm vừa qua. Trước những nhận định của các chuyên gia có uy tín, chị Văn Hằng đã cùng cộng sự của mình quyết tâm xây dựng thương hiệu De Silk với nguồn nguyên liệu và kỹ thuật tinh hoa truyền thống lụa Bảo Lộc, Lâm Đồng.

 Bước vào không gian của De Silk-nơi trưng bày và quảng bá thương hiệu đặt tại góc phố Nguyễn Tri Phương-Phan Đình Phùng (Hà Nội), người xem ấn tượng với cách bài trí cũng như sự phong phú các mẫu mã sản phẩm. Một không gian mang ý nghĩa của nghệ thuật sắp đặt tác phẩm khăn lụa, vải lụa, mỗi tác phẩm là những bông hoa sen, lá sen-biểu tượng tinh thần của Việt Nam hài hòa trong thế giới tự nhiên được chính bàn tay của nhà thiết kế đến từ Thụy Sĩ-Minh Phạm bài trí. Để ở mỗi tác phẩm đó, người xem có thể chiêm ngưỡng sự tỉ mỉ, tinh xảo của người thợ thủ công và sự sáng tạo của nhà thiết kế trên mỗi cánh hoa, bông hoa. Đặc biệt, mỗi sản phẩm lụa De Silk hội tụ hàng triệu màu sắc, đường nét… tựa như một bức tranh 3D về thiên nhiên mê đắm lòng người.

Điểm khác biệt với các thương hiệu lụa khác là De Silk tập trung vào dòng sản phẩm cao cấp không chỉ ứng dụng công nghệ, mà còn liên tục tìm kiếm cách sử dụng, làm mới kỹ thuật và kỹ năng của người thợ, hướng đến quảng bá kỹ nghệ thủ công Việt Nam. Nổi bật trong đó phải kể đến bộ sưu tập linh vật thần thoại để chào đón Xuân 2020. Đó là hình tượng những linh vật từng in dấu trên các bộ trang phục triều đình, vua quan, tạo nên sức mạnh bền bỉ và quyền uy, sang trọng như: Rồng, phượng, kim quy… cùng những linh vật đã đi vào truyền thuyết văn hóa của người Việt nói riêng và Á Đông nói chung hàng nghìn năm qua. Trên mỗi sản phẩm, thiên nhiên được thử thách bởi trí tưởng tượng của con người, mang đến nguồn cảm hứng vô tận từ chính sức mạnh và vẻ đẹp của chúng; qua đó, bà chủ của De Silk đặt mục tiêu, khát vọng đưa thương hiệu lụa Việt đến với các thị trường danh tiếng như Thụy Sĩ, Pháp, Nhật, Itali, Anh…

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN