Theo họa sĩ Nguyễn Văn Kiên, đôi trâu được làm từ gốm sứ của làng Bát Tràng mang tính ứng dụng cao, có thể là vật phẩm trang trí hay làm những đồ dùng hằng ngày như bình vôi, ống tiết kiệm... Phù hợp trong không gian hiện đại, sang trọng, điều khiến những chú trâu gốm sứ thu hút là bởi chính chất liệu dân gian được sử dụng ở các chi tiết của trâu. Sừng trâu là hình trăng lưỡi liềm, chim uyên... đuôi trâu là lá ráy, đàn chim... được cách điệu. Thân trâu là hình mõ trâu của đồng bào vùng núi phía Bắc...
Tất cả đều là những chất liệu dân gian được cách điệu, hài hòa tạo thành đàn trâu với đủ sắc thái, màu sắc, không con nào giống con nào. Dường như đây là cách các nghệ nhân ở Bát Tràng đang hội nhập với thế giới, với cuộc sống hiện đại theo con đường riêng, bằng căn cốt của truyền thống kết hợp với kiến thức mỹ thuật ứng dụng đầy sáng tạo.
Điều khiến chúng tôi khá ngỡ ngàng là họa sĩ Nguyễn Văn Kiên vốn không phải là “con đẻ” của làng nghề nhưng “đất lành” đã thu hút anh cùng nhiều bạn bè tham gia xây dựng để Bát Tràng ngày càng lớn mạnh, khẳng định thương hiệu không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới, không chỉ với những tác phẩm đại trà mà còn là những tác phẩm ứng dụng có tính thẩm mỹ, sáng tạo cao.
|
|
Họa sĩ Nguyễn Văn Kiên tại xưởng gốm sứ Bát Tràng. |
Cơ duyên đến với Bát Tràng của họa sĩ Nguyễn Văn Kiên là khi người bạn cùng lớp đại học với anh rủ về làm thêm kiếm tiền từ thời sinh viên mỹ thuật. Mới đầu họ thuê xưởng ở Bát Tràng để làm. Về sau nhóm những người trẻ này nhanh chóng thích ứng với thị trường. Họ tìm được những mối hàng góp phần xuất khẩu các sản phẩm của Bát Tràng ra các thị trường: Pháp, Italy, New Zealand...
Dần dần thị trường bão hòa, anh Kiên cùng các bạn lại nghiên cứu sang hướng mới là sáng tác các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao hơn. Vốn yêu thích giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt với những họa tiết trang trí ở các đình, đền, chùa, những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng bằng gốm sứ Bát Tràng của họa sĩ Nguyễn Văn Kiên đầy ắp chất liệu dân gian.
Có kiến thức mỹ thuật hiện đại, sử dụng khá hợp lý các chi tiết văn hóa truyền thống, những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng của anh phù hợp cho việc làm đẹp không gian nhà ở, nơi làm việc, cao hơn là ở các triển lãm, trưng bày... Vì thế, khách của anh đa phần là nhà sưu tập trong và ngoài nước, những người trong nghề thiết kế, những người yêu thích sản phẩm độc bản... Có thể nói, những người trẻ như họa sĩ Nguyễn Văn Kiên đang góp sức để tạo ra một góc Bát Tràng mới, trẻ trung và năng động.
Được biết, họa sĩ Nguyễn Văn Kiên cùng các thầy giáo của mình vừa nghiên cứu thành công loại men màu đỏ huyết dụ độc đáo. Đây là màu men không dễ làm, ngay cả với nghệ nhân người Bát Tràng cũng không phải ai cũng làm được, chưa kể nhiều người làm được nhưng có khi cả mẻ hàng chỉ được 1-2 sản phẩm lên màu huyết dụ. Những sản phẩm của nhóm thầy trò họa sĩ Nguyễn Văn Kiên lên màu đều đẹp, hứa hẹn sẽ tạo thêm những sản phẩm đẹp hơn, góp phần tô đẹp thêm danh tiếng cho làng nghề gốm sứ truyền thống ven sông Hồng.
Bài và ảnh: TOÀN LINH