Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 15km về phía nam, làng Rùa vốn là một làng nghề truyền thống luyện kim lâu đời. Theo cơ chế thị trường và đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại, đến nay làng đã chuyển sang sản xuất sản xuất các mặt hàng sản phẩm cơ khí. Lịch sử ngôi làng trải qua rất nhiều thằng trầm. Như những làng nghề khác, nghề kim khí ở làng Rùa khởi thủy bằng nghề làm đinh trống, đinh thuyền.
Những năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, dân làng Rùa chuyển sang đúc vỏ gang cho lựu đạn, móng trâu, móng ngựa và tất cả những gì có liên quan đến kim loại, phục vụ chiến đấu và sản xuất của nhân dân. Và đến cuối thế kỷ 20 khi nhu cầu xe máy, xe tự chế tăng cao thì một số hộ dân năng động đã tìm cho mình một số mặt hàng khác để sản xuất và mưu sinh như nhận sản xuất đồ điện tử, cửa sắt, ốc vít, khoá và sản xuất phụ kiện xe máy.
    |
 |
Xưởng cơ khí Anh Hà tại làng Rùa. |
Đến nay, ở làng Rùa có trên 300 xưởng sản xuất phụ tùng xe máy. Mỗi gia đình là một nhà xưởng sản xuất, công nhân làm việc được đãi ngộ khá tốt. Cùng với nguồn nhân lực và máy móc hiện đại, mỗi tháng người dân làng Rùa có thể cung cấp cho thị trường cả vạn bộ linh kiện lắp ráp xe máy các loại. Với chất lượng uy tín, nhiều mặt hàng còn được xuất khẩu đi nước ngoài.
Hiện nay một số ông chủ ở làng Rùa đã thành lập những công ty chuyên phân phối sản phẩm, một phần loại bỏ đi sự phụ thuộc vào các con buôn từ nơi khác. Không phải đối mặt với nỗi lo thiếu nhân công như những làng nghề truyền thống khác bởi ngành nghề này rất hút người lao động. Có những hộ gia đình truyền nghề theo kiểu “cha truyền con nối”. Cũng có nhiều người nơi khác vì nghe tiếng làng Rùa đã đến đây lập nghiệp. Bao năm qua, làng Rùa là nơi “đất lành chim đậu”, thu hút nhiều nhân tài của ngành cơ khí.
Tay vẫn không rời que hàn, anh Hoàng Anh Dũng (37 tuổi) cho biết : “Làm cái nghề này rất là vất vả, lắm lúc từ sáng đến tối tôi cứ vùi đầu trong xưởng. Trước thì cực hơn nhiều nhưng dần dần các xưởng cũng đẩy mạnh đầu tư, nhập máy móc về cho anh em làm nên giờ đỡ nhiều lắm. Nghề tuy vất vả nhưng đối đãi cũng không có bạc đâu, nhờ nó anh cũng được sống cũng thoải mái, con cái được ăn học đến nơi đến chốn”
Nhờ sự thay đổi nghề bộ mặt làng Rùa đã thay đổi một cách rõ rệt. Anh Trần Việt Hưng, người dân làng Rùa cho hay: “Trước khi dân theo nghề sản xuất phụ tùng xe máy, làng Rùa cũng chỉ là một làng truyền thống nghèo thôi. Còn giờ nhờ nó mức sống cả vùng đều tăng, nhà lầu rồi xe hơi thay nhau xuất hiện. Hàng quán ấy thế mà cũng mọc lên khắp nơi. Nhịp sống làng này ấy thế thay đổi hẳn”.
Giữa thời điểm hoạt động sản xuất của các làng nghề truyền thống gặp phải nhiều khó khăn, làng Rùa đã vươn mình nhờ sự mưu trí, đổi mới của người dân nơi đây. Không chỉ góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống, nghề cơ khí làng Rùa còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Bài, ảnh: THANH CHƯƠNG