Tọa lạc trên đường Đinh Tiên Hoàng, nơi được coi là không gian thiêng của Thủ đô Hà Nội: Trước mặt là hồ Gươm, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn và gần đó quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đền Bà Kiệu ra đời từ đầu thế kỷ 17, vào niên hiệu Vĩnh Tộ 1619-1628, khi ấy chỉ có đền chính. Đến cuối niên hiệu Cảnh Hưng 1740-1786, đền mới được xây dựng thêm cổng Tam Quan, nhờ sự đóng góp của ông Lê Trọng Sinh. Sau đó, vào năm 1800 (năm Cảnh Thịnh thứ 8, thời Tây Sơn), đền có thêm một quả chuông đồng do vợ chồng vị quan Trần Hữu Ứng cung tiến tiền để đúc. (Theo “Thăng Long cổ tích khảo” và “Hà Thành linh tích cổ lục”).

leftcenterrightdel
Đền Bà Kiệu - đền thờ chính, dọc từ Đinh Tiên Hoàng vào Lò Sũ. 

Trường tồn cùng thời gian, Thiên Tiên điện hay đền Bà kiệu, song hành cùng những biến thiên của lịch sử, mà biến cố lớn nhất với ngôi đền chính là sự “chia cắt” đền chính và cổng tam quan. Đó là vào năm 1891, khi người Pháp lấy đất làm đường xe điện, phần sân trước và tòa tiền tế của đền bị dỡ bỏ, thay vào đó là con đường vòng quanh hồ Gươm như chúng ta thấy hiện nay, và chính đoạn phố Đinh Tiên Hoàng này là phần chia tách khu đền chính ở bên này, trải dọc phố Lò Sũ và cổng tam quan bên hồ.

Thiên Tiên điện từ xưa được xây dựng khang trang với quy mô lớn. Trải qua một số lần trùng tu, đến nay, ngôi đền chúng ta thấy có kiến trúc chủ yếu là dấu tích từ lần trùng tu lớn vào năm 1864 (năm Tự Đức 17) với các nguyên vật liệu được chuyển về từ nhiều nơi khác nhau như: gỗ rừng Nưa, hay đá núi Nhuệ,… Tam quan được xây dựng ba gian bằng gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Đền thờ được xây dựng theo kiểu chữ Công, gồm nhà đại bái, phương đình và hậu cung.

Nhà đại bái có kiến trúc ba gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc lợp mái ngói ta nhưng lớn hơn nhiều so với Tam quan, chồng diêm hai mái có hàng trống con tiện, vì kèo truyền thống,... Mái đền mang đặc trưng phong cách kiến trúc thời Nguyễn với bờ nóc dạng bờ đình, phía trên có tượng cá hóa rồng bằng gốm men xanh trong tư thế đang chầu vào bình nước thiêng. Phía bên trong các đầu dư đều chạm đầu rồng, thân chạm nổi vân mây, đường triện. Các bậc được lát bằng những phiến đá lớn màu xanh xám. Bộ khung nhà đại bái được dựng vững chắc bởi 8 cột trụ bằng gỗ lim, với chu vi cột cái là 115cm, cột quân là 105cm, còn các cột hiên nhỏ hơn thì được làm bằng đá trắng, hình hộp chữ nhật, mỗi cạnh 25cm, đá kê chân cột màu xanh, hình đôn. Đặc biệt, tại đây có 4 tượng cá chép hóa rồng đặt trên xà và dưới diềm của hai mái sau và trước, cùng với các tường dẹt được trau chuốt, thể hiện sinh động, tạo điểm nhấn trong nghệ thuật kiến trúc của ngôi đền.

leftcenterrightdel
Đền chính và cổng Tam quan bị chia tách bởi con đường quanh hồ Gươm - đoạn phố Đinh Tiên Hoàng

Tiếp đến là một kiến trúc nhỏ dựng trên bốn chân cột lớn kiểu phương đình, hai tầng bốn mái. Bốn mái chạm mảng các hoa văn truyền thống. Đây cũng là một nét đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Trong cùng, hậu cung là nơi quan trọng và linh thiêng nhất của đền. Nơi đây có một nếp nhà ngang xây gạch kiểu tường hồi bít đốc. Tuy nhiên, do dãy nhà bên phố Lò Sũ nay là các cửa hàng, nên muốn vào khu hậu cung, phải từ mặt sau đền đi qua quán mới vào được. Tại hậu cung, tôn tượng các vị thần được đặt trong khám thờ lớn, chạm khắc tinh xảo, thể hiện trình độ và đôi tay khéo léo của người thợ khi xưa. Trên cùng là lớp tôn tượng Tam Tòa Thánh Mẫu bao gồm: Mẫu Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Địa. Tiếp đến là lớp tôn tượng Công Chúa Liễu Hạnh và hai thị nữ Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Ngoài ra, tại đây còn có tôn tượng nhỏ của hai cô và hai cậu không ở trong khám thờ. Hai bên là hai khám thờ Bà Chúa Thượng Ngàn và Chầu Thủ đền. Ở các gian bên của Hậu cung, có ban thờ các vị phổ biến tại các đền Mẫu như: Ngọc Hoàng và Ngũ vị tôn ông mà tôn tượng các Ngài được tạo tác với kích thước nhỏ từ thời Nguyễn, thế kỷ 19. Tôn tượng, khám thờ, văn bia cùng các di vật của các triều đại Lê – Tây Sơn – Nguyễn cùng các giá trị văn hóa tinh thần đã làm nên nét đặc sắc của ngôi đền.

Không ai biết vì sao dân gian lại gọi nơi đây là đền Bà Kiệu, chỉ biết rằng, ngôi đền là nơi thờ các vị nữ thần: Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng hai thị nữ Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Thần phả kể lại rằng: Công chúa Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, do làm vỡ chén ngọc nên bị đày xuống trần gian. Trong thời gian ở trần thế, nàng đã dạy dân chúng cày cấy, làm kinh tế ổn định cuộc sống. Hết thời hạn đi đày, nàng lại về trời nhưng không nguôi nỗi nhớ trần gian. Nàng xin vua cha xuống trần nhiều lần nữa. Ngay cả khi hóa về trời, nàng cùng các thị nữ vẫn thường hiển linh giúp dân, giúp nước. Vừa gần gũi với nhân dân, lại vừa có nhiều công trạng với nhân dân, với đất nước, nên công chúa Liễu Hạnh đã trở thành một vị thánh thuộc Tứ Bất Tử trong tâm thức của người dân Việt Nam. Không chỉ vậy, Thánh Mẫu Liễu Hạnh còn được tôn vinh là bậc “Mẫu Nghi Thiên hạ”, hiện trong đền vẫn còn lưu giữ 27 đạo sắc phong từ triều Lê, Tây Sơn đến Nguyễn – phong thần cho Mẫu Liễu Hạnh và hai vị tiên nữ.

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng phổ biến ở Việt Nam, hình thành và phát triển trong tiến trình lịch sử văn hóa của đất nước. Trong tín ngưỡng ấy, Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh, vị Thần được thờ phụng nhiều nhất trong hàng các Mẫu: Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Cửu Trùng), Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải Phủ,… Dưới tán cây rợp bóng của cây đa cổ thụ hàng trăm tuổi, đền Bà Kiệu linh thiêng cùng vẻ cổ kính trầm mặc vẫn luôn gắn bó với người dân Thủ đô, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như đời sống văn hóa của người dân.

Bài và ảnh: NHÃ UYÊN