Đó là ông Nguyễn Văn Hùng đã ngoài 60 tuổi. Hằng ngày, trong không gian nhỏ hẹp chỉ 3m2, lúc nào người ta cũng thấy một người đàn ông lấm lem tất bật với đe, búa, lò, bễ.

Ông Hùng cho biết đã gắn bó với nghề rèn hơn 20 năm. Ông bảo, cái nghề trông nóng nực, bức bối vậy thôi, nhưng luôn tạo cho ông sự say mê, sảng khoái. Công việc là niềm vui, hiếm khi ông thấy buồn, thấy chán.

leftcenterrightdel
Ông Hùng đang đe búa tạo hình cho mũi đục.

Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống bốn đời làm nghề rèn, nhưng bản thân ông Hùng không muốn nối nghiệp tổ tiên. Hết phổ thông, ông học cơ khí rồi làm ở một xưởng sửa chữa ô tô. Năm ông Hùng 36 tuổi, trước khi mất, bố ông bày tỏ nguyện vọng muốn ông giữ gìn nghề truyền thống cho phố Lò Rèn. Từ đó, ông Hùng quyết định tiếp quản lò rèn của gia đình, hoàn thành tâm nguyện của bố. Tính đến nay, thấm thoát cũng đã 20 năm gắn bó với nghề, ông đã tạo được thương hiệu riêng cho mình, sản phẩm của ông được rất nhiều người biết đến. Nhiều người nghĩ, nghề rèn vốn chỉ đòi hỏi sức khỏe, tinh thần thép, nhưng chưa hẳn. Người thợ phải có sự khéo léo, tỉ mỉ để từng động tác phải thật sự thanh thoát và có độ chính xác cao, phải căn nhiệt độ, xác định thời gian tôi luyện trong bễ là bao lâu để ra sản phẩm đạt chất lượng nhất. Những điều đó không thể học được trong ngày một, ngày hai mà phải mất nhiều năm, thậm chí cả cuộc đời cầm búa mới đúc rút được kinh nghiệm. Ngoài kỹ thuật căn bản, ông còn mang trong mình dòng máu đam mê với nghề của một người thợ rèn.

Ông chủ yếu rèn những mũi đục bê tông. Mỗi chiếc mũi đục được ông tôi luyện lại với giá 10.000 đồng, mũi mới thì 50.000 đồng. Cứ thế, một ngày ông rèn gần trăm mũi. Mũi ngoài thị trường không cho qua nước tôi nên chóng cùn, ông tôi lại cứng cáp hơn, lâu cùn hơn nên thợ khắp Hà Nội đều thích và tìm đến ông. Các ông thợ truyền tai nhau ông Hùng có bí quyết nước tôi. Ông bảo đó chỉ đơn giản là dầu nhớt xe máy, ô tô thải ra, được pha với một lượng muối nhất định.

leftcenterrightdel
Phố Lò Rèn (Hà Nội).

Để rèn được một mũi đục cần trải qua 4 giai đoạn. Bước đầu là nhóm lửa, đổ than vào cho cháy rực lên. Khi than đã đỏ hồng, ông bỏ mũi đục vào nung. Đợi mũi đục đến nhiệt độ vừa đủ, ông dùng chiếc kẹp chuyên dụng lấy ra, đặt lên đe và bắt đầu quai búa. Đập tầm chục nhát rồi cho vào nung tiếp rồi lại đập, đến khi ông thấy đã đủ độ rắn chắc của mũi đục thì đem nhúng vào thùng dầu tôi.

Ông Hùng kể, ngày xưa, thời hoàng kim của phố Lò Rèn, quanh năm suốt tháng đỏ lửa, tiếng búa, tiếng đe chan chát. Giờ đây, theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nghề rèn thủ công dần lép vế trước máy móc, công nghệ hiện đại, vốn cho ra sản phẩm nhanh hơn dù chất lượng không tốt bằng. Bây giờ, nhiều gia đình đầu tư hẳn máy khoan cắt sắt thép. Con phố vơi dần những lò rèn thủ công. Hiện tại, lò rèn của ông Hùng là lò rèn duy nhất còn hoạt động.

Ông Hùng có lẽ là người giữ nghề cuối cùng trên phố, bởi các con của ông cũng không theo nghề này. Con trai cả của ông Hùng, một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa, giờ làm chủ thầu xây dựng. Cô con gái thứ hai làm kế toán. Nghề rèn bốn đời của nhà ông Hùng, vì thế chắc chắn sẽ thất truyền. Đây cũng chính là điều ông luôn trăn trở, bởi ông cũng đã ngoài 60 tuổi, chắc chắn không theo nghề lâu nữa. Ðến lúc ông dừng búa, buông đe, nghề rèn này không biết đi về đâu.

Công việc cứ lặp đi lặp lại, từ ngày này qua ngày khác, với ông, “cầm búa là một nghệ thuật” nên dù vất vả như nào, ông cũng cố bám trụ với nghề, xem mình là một “nghệ sĩ” cuối cùng đang giữ gìn nét nghệ thuật còn sót lại.

Bài và ảnh: KIM THU – TRẦN NHÀN