Tìm đến Văn chỉ Thọ Xương (tên gốc là: Thọ Xương tiên hiền từ vũ) vào một buổi chiều tháng 4, chúng tôi cảm nhận rõ không khí nô nức của người dân phường Cầu Dền trước sự kiện trọng đại của đất nước. Hướng tới Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Văn chỉ Thọ Xương là nơi niêm yết danh sách cử tri và là khu vực bỏ phiếu số 1 của Tổ dân phố số 3 và 4. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng, ông Nguyễn Ngọc Chính, 68 tuổi, thuộc Tổ dân phố số 3, phường Cầu Dền, nói: “Nhiều năm qua, Văn chỉ Thọ Xương đã trở thành nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng của phường Cầu Dền. Từ khi được tu bổ năm 2013, Văn chỉ Thọ Xương giờ khang trang, sạch đẹp hơn và vẫn giữ được nhiều di vật quý”.
Dẫn chứng cho khẳng định trên, ông Nguyễn Ngọc Chính đưa chúng tôi đi xem tấm bia “Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký” khắc chữ Hán 4 mặt. Văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795-1868) soạn năm 1838, nêu ý nguyện nghiêm cẩn thờ phụng và tiếp nối các bậc tiên hiền để mở mang sự học, làm cho nước nhà ngày càng tiến bộ. Ngoài ra, văn chỉ hiện còn lưu giữ bức hoành phi chạm khắc 4 chữ Hán lớn, do Tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825) cung tiến: “Lòng người thuận với lẽ trời” tạo dựng năm 1844; đôi câu đối ở ban thờ tiên hiền: “Nghìn năm biến đổi còn nền vững/ Vạn cổ thanh danh nối đất xưa”; đôi câu đối do Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800-1851) cung tiến: “Văn phong nước cũ truyền người trước/ Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau”.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, việc xây dựng Văn chỉ Thọ Xương diễn ra trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn đã dời kinh đô khỏi Thăng Long và xây dựng Quốc Tử Giám tại Huế. Vì thế, giá trị, ý nghĩa của Văn chỉ Thọ Xương là phát động phong trào chấn hưng văn hóa Thăng Long. Người có công đầu trong việc xúc tiến, đầu tư kinh phí và trông coi xây dựng văn chỉ là sĩ phu yêu nước Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng (1794-1862), Hội phó Văn hội Thọ Xương. Ban đầu Văn chỉ Thọ Xương là nơi thờ Khổng Tử cùng các vị tiên hiền, khoa bảng của huyện Thọ Xương. Với vai trò là trụ sở của Văn hội Thọ Xương (thành lập năm 1832), đây thực sự là một trung tâm văn hóa lớn, đi đầu trong việc cổ vũ chấn hưng văn hóa Thăng Long.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, thành viên Ban trị sự Văn chỉ Thọ Xương cho biết: “Vào mỗi mùa thi, học sinh ở nhiều trường lại tìm đến Văn chỉ Thọ Xương để lễ, cầu cho việc học tập được thuận lợi. Để bảo tồn và phát huy Văn chỉ Thọ Xương, tôi cho rằng cần phải tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu về văn chỉ; dịch sang quốc ngữ văn bia chữ Hán, bản ghi danh các tiên hiền; ấn hành tài liệu thuyết minh về di tích... Ngoài ra, chính quyền và nhân dân phường Cầu Dền cần phải xem xét việc bố trí người trông coi, mở cửa di tích hằng ngày để nhân dân và du khách có thể tham quan, qua đó giúp cho việc khai thác, sử dụng công trình có hiệu quả hơn”.
Bài và ảnh: PHÚC ĐIỀN