Chủ xưởng tranh là anh Phạm Văn Thành và Trần Thanh Trà. Cả hai người đã tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Sau khi ra trường, đôi bạn vẽ tranh bằng nhiều chất liệu khác nhau như than, chì, sơn dầu. Khi thử sức làm tranh đá, hai người gặp nhiều khó khăn do việc tạo hình bằng đá phức tạp hơn so với dùng cọ vẽ. Khi được hỏi điều gì khiến các anh gắn bó với dòng tranh đá? Anh Trà cho hay: “Tranh đá có màu sắc tự nhiên, khi bắt ánh sáng những viên đá trở nên lấp lánh. Không những vậy, trong đá còn có khí dùng làm tranh phong thủy đem lại điều may mắn cho gia chủ”.  

Nguồn nguyên liệu làm tranh là đá tự nhiên gồm nhiều loại như: Sapphire, copal, ruby, canxit... đưa từ Lục Yên (Yên Bái) về Hà Nội. Những viên đá được rửa sạch, gia công bằng cách đập vỡ rồi giã nhỏ tùy theo kích thước sử dụng. Những loại bột đá màu phải được nghiền thật nhỏ mịn. Người làm có thể pha trộn các loại bột đá với nhau để tạo sự đa dạng màu sắc. Ngoài đá ở Lục Yên, một số đá khác được chuyển từ Tây Nguyên ra hoặc nhập khẩu bên Thái Lan, Trung Quốc.

leftcenterrightdel
Anh Trần Thanh Trà khéo léo tạo ra bức tranh đá có giá trị nghệ thuật. 

Trực tiếp tham quan quy trình làm ra sản phẩm của anh Trà mới thấy được sự khéo léo tài hoa của người thợ. Mẫu tranh được vẽ trên giấy sau đó đặt dưới tấm mica trong suốt hoặc vẽ trực tiếp trên mica trắng. Người thợ sử dụng chiếc thìa rê trên thành cái xúc đá nhỏ, cứ thế bột đá rơi xuống uốn lượn theo tay người tạo hình. Đây là công đoạn khó nhất làm sao rải bột đá để thành được hình hài cỏ cây hoa lá, phong cảnh thiên nhiên, con người... Có những chi tiết trang trí mảnh như sợi chỉ đòi hỏi người thợ phải hết sức cẩn trọng, khéo léo mới dải bột đá đúng ý định. Để bức tranh có chiều sâu, người thợ phải tạo ra nhiều tầng màu sắc, các sự vật chồng lấn lên nhau bằng cách phối màu tạo nền trước rồi mới thao tác các chi tiết lên trên. Quá trình đó yêu cầu người làm phải có trí tưởng tượng phong phú, đôi mắt thẩm mỹ.

Anh Trà cho biết: “Khó nhất vẫn là tranh chân dung. Để vẽ một nét bằng cây cọ, màu nước, than chì trên nền giấy sẽ dễ hơn rất nhiều khi dải đá. Bởi vì bột đá rời rạc khi thực hiện các chi tiết đặc tả trên khuôn mặt để toát lên đúng thần thái như nguyên mẫu là điều rất khó khăn, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, am hiểu về mỹ thuật hội họa cũng như giải phẫu cơ mặt”. Làm tranh đá yêu cầu tính chính xác rất cao, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn tới hỏng toàn bộ bức tranh bởi vì bột đã dải xuống rồi thì không thể lấy lại hoặc sửa chữa được. Chính vì vậy, quá trình sáng tạo, người làm tranh đá phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ. Đá sau khi dải xong được gắn kết bằng chất liệu keo 502, sau đó phết sơn bóng, bo viền đóng khung.

Tranh đá phong phú về thể loại nhưng phố biến nhất vẫn là tranh phong thủy, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa. Mặc dù là dòng tranh ra đời chưa lâu nhưng được nhiều khách hàng ưa chuộng dùng để trang trí trong cơ quan, gia đình. Với quan niệm trong đá có khí dùng để trấn yểm, tạo vượng khí tốt nên khách sử dụng sản phẩm với mong muốn mang lại may mắn, bình an, tài lộc. Sản phẩm tranh đá khá bền không chịu tác động của thời tiết nên không bị ẩm mốc, cong vênh, dùng lâu có thể lấy nước để cọ rửa cho sáng bóng. Nhờ những đặc tính ưu thế đó, tranh đá được bán trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Mỗi bức tranh đá là một tác phẩm nghệ thuật do chính bàn tay người thợ thủ công làm ra góp phần điểm tô cho không gian sống ngày thêm đẹp hơn.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC