Từ Quốc lộ 32 theo hướng Hà Nội-Sơn Tây, rẽ phải theo con đường bê tông sạch sẽ, chúng tôi đến đình Hạ Hội, xã Tân Lập, nơi thờ Đinh lang tướng quân Phúc Đẳng Hạ thần-tướng Đinh Công Tuấn (xem ảnh). Theo sử sách ghi lại, Tân Lập thuộc vùng đất cổ, xa xưa có tên là Gối Hạ. Vùng Gối Hạ là quê ngoại của tướng Đinh Công Tuấn, xưa kia nghèo khó, người dân chất phác, chăm chỉ và hiền lành.
Ông Nguyễn Văn Hòa, một bậc cao niên của xã nói: “Hồi còn bé, ông bà thường ôm tôi vào lòng và kể cho tôi nghe chuyện Đinh lang tướng quân-Đinh Công Tuấn. Cha mẹ ngài là người nhân đức, làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh ở Thượng Cát (phủ Quốc Oai). Lớn lên, ngài theo Hoa Đường tiên sinh ôn văn luyện võ. Nhờ tinh thần hiếu học, nên ngài nức tiếng khắp vùng về tài văn chương và võ nghệ tinh thông. Thương nhân dân Gối Hạ nghèo khó, khi thành danh, ngài không màng quan chức, bổng lộc mà về quê ngoại mở lớp dạy chữ cho dân và dạy dân võ thuật để nâng cao sức khỏe. Tài đức và lòng thương người của ông làm nhân dân cảm mến, tin yêu.
    |
 |
Đình Hạ Hội, nơi thờ Đinh lang tướng quân Phúc đẳng Hạ Thần – Đinh Công Tuấn. |
Mùa xuân năm Đinh Tỵ (thế kỷ XIII), giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, Đinh Công Tuấn xếp bút nghiên, lên đường ứng tuyển và được Trần Hưng Đạo trọng dụng. Theo lệnh của Trần Hưng Đạo, ông chiêu mộ binh sĩ tổ chức huấn luyện để sẵn sàng ứng chiến. Người Gối Hạ và nhân dân quanh vùng theo ông rất đông. Trận đầu ra quân, ông giành thắng lợi vang dội. Cuối xuân, khi quân Nguyên tiến đến vùng Bạch Hạc, tướng Đinh Công Tuấn đã xung phong đi chặn địch. Trận đánh diễn ra ác liệt. Với quân số đông hơn gấp bội, địch dần chiếm được thế chủ công và tướng Đinh Công Tuấn đã anh dũng hy sinh, bảo toàn khí tiết. Được tin ngài mất, vua Trần vô cùng thương xót, xuống chiếu phong ngài làm Phúc thần (nhiều đời vua Trần, Lê, Nguyễn đều sắc phong “Đinh lang tướng quân Phúc Đẳng Hạ thần”), cho phép dân Gối Hạ lập đền thờ cúng. Cảm phục công ơn và tài đức của người, dân Gối Hạ đã lập đình thờ ngài làm thành hoàng.
Công đức và tài trí của Đinh lang tướng quân Phúc Đẳng Hạ thần được lưu truyền. Tài năng đức độ của người trở thành tấm gương cho người dân xã Tân Lập xây dựng truyền thống quê hương cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất-anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cường quyền áp bức. Mỗi khi đất nước bị giặc xâm lăng giày xéo là mọi người đều căm hận, già trẻ trai gái đều xông lên đánh giặc. Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, toàn dân vùng Gối Hạ vùng lên khởi nghĩa cùng nhân dân cả nước phá tan xích xiềng nô lệ. Cuối tháng 8-1948, nhân dân và các lực lượng vũ trang xã Tân Hội (xã Tân Lập và Tân Hội ngày nay) đã phối hợp làm nên chiến thắng "3 ngày 5 trận" vang dội khắp nơi, diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân và cán bộ xã Tân Lập vừa tích cực thi đua lao động sản xuất, vừa đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Học theo gương sáng người xưa, người dân Tân Lập chung tay đoàn kết xây dựng quê hương. Từ năm 2016 đến nay, bằng công tác xã hội hóa, người dân Tân Lập đã quyên góp hàng tỷ đồng để xây dựng cảnh quan, môi trường văn hóa sáng-xanh-sạch-đẹp, phấn đấu đưa Tân Lập về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2.
Bài và ảnh: VIỆT HÀ