Lượt bạn đọc tăng nhưng chưa tương xứng

Gần 3 tháng qua, mỗi tuần một lần, chị Đào Thanh Loan (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) lại cùng cậu con trai 4 tuổi đến Không gian thư viện Dream Plus Library (Thư viện Hà Nội) để đọc sách. Trong không gian phòng đọc mầm non được bài trí ngộ nghĩnh, hấp dẫn, chị Loan chậm rãi giới thiệu cho con những kiến thức thú vị trong sách. Chị Loan nói: “Nhiều người bảo với tôi, con còn nhỏ thì hiểu gì về sách mà cho đến thư viện. Tôi quan niệm rằng, mình cần phải sớm tạo thói quen đọc sách từ nhỏ cho con. Mặc dù bây giờ con chưa hiểu, nhưng dần dần con sẽ thấy thích thú với không gian, sách, tài liệu trong thư viện. Sau vài lần đến Dream Plus Library, con trai tôi đều rất thích thú và giục mẹ đưa đến hằng tuần”.

leftcenterrightdel
 Chị Đào Thanh Loan đọc sách cùng con tại Không gian thư viện Dream Plus Library.

Tọa lạc ở tầng 4 của Thư viện Hà Nội, Dream Plus Library có diện tích hơn 400m2 được thiết kế hiện đại, đẹp mắt với hơn 400 đầu sách. Đây là dự án được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc hỗ trợ, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho người dân Việt Nam. Sau khi chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2021, Dream Plus Library đã thu hút đông đảo học sinh Thủ đô, nhất là dịp cuối tuần.

Ở tuổi 68, niềm vui mỗi ngày của ông Đoàn Khả Đỉnh (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) là được đến Thư viện Hà Nội đọc sách, báo. Ông Đỉnh bảo, những sách, báo ở Thư viện Hà Nội được cập nhật mới liên tục, thủ tục mượn cũng đơn giản, nhanh chóng. “Mỗi ngày, tôi dành ra khoảng 2 tiếng đồng hồ ngồi đọc sách, báo ở Thư viện Hà Nội. Không gian đọc khá yên tĩnh đã tạo cảm hứng giúp tôi nuôi dưỡng được đam mê với sách, báo trong nhiều năm qua”, ông Đoàn Khả Đỉnh cho hay.

Những năm qua, Thư viện Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội. Bằng chứng là kinh phí cấp cho thư viện mỗi năm tăng 5%. Số người đọc tại thư viện trong năm 2020 đạt gần 1,3 triệu lượt, tăng 10% so với năm 2019. Dù vậy, ông Trần Văn Hà, Giám đốc Thư viện Hà Nội thừa nhận: “Số lượt bạn đọc đến với Thư viện Hà Nội tăng qua các năm nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sự kỳ vọng. Trải qua gần 30 năm công tác, chứng kiến nhiều đổi thay, điều tôi trăn trở nhất ở Thư viện Hà Nội là làm sao phải phát huy được vai trò, vị thế thư viện của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thư viện Hà Nội phải được phát triển sánh ngang với thư viện ở các thủ đô khác trên thế giới. Đây cũng là điều mà thế hệ cán bộ, viên chức của Thư viện Hà Nội mong đợi từ lâu”.

Nhiều vướng mắc trong số hóa sách, tài liệu

Ý thức được sức hút của thư viện nằm ở đổi mới phương thức phục vụ, Thư viện Hà Nội đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc như: Đơn giản hóa thủ tục làm thẻ, mở rộng hệ thống phòng phục vụ (phòng phục vụ thiếu nhi, phòng đọc dành cho người khiếm thị...). Thư viện Hà Nội đã ứng dụng phần mềm LIBOL 6.0 cho các hoạt động nghiệp vụ, quản lý và phục vụ bạn đọc: Thực hiện cấp thẻ trực tuyến; đăng ký mượn sách online; biên soạn thư mục chuyên đề, thư mục giới thiệu sách mới; số hóa vốn tài liệu địa chí; bổ sung và sản xuất sách nói phục vụ bạn đọc khiếm thị (sách chữ nổi Braille, sách nói); hoàn thiện cơ sở dữ liệu và bộ máy tra cứu đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin cho bạn đọc. Tuy nhiên, bà Trần Thanh Hiếu, Trưởng phòng Tin học, Thư viện Hà Nội, cho rằng: “Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và phần mềm quản lý của Thư viện Hà Nội chưa được đầu tư đồng bộ, chưa phù hợp với xu thế chuyển đổi số của ngành thư viện đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay”.

Sở hữu gần 700.000 bản sách, tài liệu, nhưng đến nay Thư viện Hà Nội mới số hóa được 3.000 tài liệu, đạt tỷ lệ 0,43%. Bà Trần Thanh Hiếu cho biết: “Số hóa được tài liệu đã khó nhưng bạn đọc phải đến thư viện để tìm hiểu nguồn tài liệu số hóa. Đây thật sự là một bất cập không chỉ ở Thư viện Hà Nội mà còn đối với nhiều thư viện công cộng khác vì liên quan đến bảo mật, bản quyền tác giả”.

Thư viện Hà Nội hiện có 7 phòng chức năng với gần 60 cán bộ, viên chức. Mặc dù cán bộ viên chức làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật song có thời điểm Thư viện Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải. Nhất là thời điểm các ngày phục vụ cuối tuần và dịp nghỉ hè, mỗi ngày thư viện đón khoảng 600 lượt bạn đọc. “Chúng tôi rất mong muốn số hóa được nhiều tài liệu của thư viện và đặc biệt là triển khai được dự án thư viện điện tử. Thư viện Hà Nội cũng đang xin ý kiến lãnh đạo TP Hà Nội để trong năm 2021 có một khoản kinh phí tiến hành việc số hóa. Nhưng trước tiên, Thư viện Hà Nội cần phải được nâng cấp, đầu tư hạ tầng CNTT và phần mềm quản lý thư viện số đồng bộ, phù hợp, cùng với đề xuất kiến nghị giữa bộ, ngành liên quan để tháo gỡ trong việc phục vụ vốn tài liệu số. Nếu các thư viện công cộng trên cả nước cùng hợp tác để có tiếng nói chung thì tôi tin rằng những bất cập trong số hóa sách, tài liệu sẽ sớm được tháo gỡ”, ông Trần Văn Hà khẳng định.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG