Sau 6 năm thành lập, Bảo tàng Hà Nội đã triển khai công tác sưu tầm và tổ chức thành công nhiều cuộc vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật.
Nhóm hiện vật do bảo tàng sưu tầm lần này đa dạng về chất liệu, phong phú về loại hình, được sưu tầm tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn Hà Nội như: Bộ sưu tập đồ gốm sứ, vật liệu trang trí kiến trúc qua các triều đại phong kiến; bình vôi cổ; hiện vật di tích cầu Long Biên; hiện vật khai quật khảo cổ đền-chùa Bà Tấm (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội); hiện vật khai quật khảo cổ nút giao thông đường Bưởi-Hoàng Quốc Việt...
Đặc biệt, công chúng sẽ được “thực mục sở thị” những hiện vật của họa sĩ Phùng Di Thuần gồm 3 bức tranh sơn dầu: “Sẽ trở về giải phóng thủ đô”, “Người quyết tử quân”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”. Đây được coi là một điểm nhấn quan trọng trong cuộc trưng bày lần này.
"Hà Nội mùa đông năm 1946". Ảnh: Bảo tàng Hà Nội cung cấp
"Người quyết tử quân". Ảnh: Bảo tàng Hà Nội cung cấp
"Sẽ trở về giải phóng Thủ đô". Ảnh: Bảo tàng Hà Nội cung cấp
Bức tranh “
Hà Nội mùa đông năm 1946” được họa sĩ lấy cảm hứng từ bối cảnh Hà Nội vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946. Tác giả đã phác họa không khí sục sôi chiến đấu của các tầng lớp quân dân Thủ đô. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân Hà Nội, suốt 60 ngày đêm khói lửa, lực lượng của ta không những đã giam chân địch mà còn tổ chức được một cuộc rút quân qua gầm cầu Long Biên một cách thần kỳ, bảo toàn lực lượng của Trung đoàn Thủ đô.
Bức tranh “Sẽ trở về giải phóng Thủ đô” là tác phẩm nghệ thuật sáng tác từ bối cảnh Hà Nội sau 60 ngày đêm kiên cường chống giặc Pháp và đến ngày 27-12-1946 thì Chính phủ quyết định rút khỏi Thủ đô để bảo toàn lực lượng về vùng hậu phương và tổ chức cuộc kháng chiến lâu dài. Trong tác phẩm này, tác giả đã phác họa hình ảnh từng lớp đoàn quân rời khỏi Thủ đô với nhiều cử chỉ, tâm trạng khác nhau, đó là hình ảnh người chiến sĩ trẻ rời Thủ đô yêu dấu để ra vùng kháng chiến; một chiến sĩ khác động viên, an ủi người chiến sĩ trẻ, thể hiện rằng “cuộc chiến của chúng ta còn dài và chúng ta tin chắc về thắng lợi cuối cùng”; một chiến sĩ khác giơ bàn tay lên chào, mắt hướng về Thủ đô như một lời chào và lời hứa hẹn ngày sẽ trở về. Xa xa là hình ảnh một đứa trẻ, đại diện tầng lớp măng non của Thủ đô theo chân các chiến sĩ vừa đi vừa trò chuyện như hỏi một điều gì đó. Phía hậu phương là hình ảnh cầu Long Biên mờ mịt bởi khói đạn chiến tranh.
Tác phẩm “Người quyết tử quân” khắc họa hình ảnh một chiến sĩ trong tư thế ôm bom ba càng đang lao vào xe tăng địch, minh chứng cho ý chí quật cường, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước của đồng bào và chiến sĩ cả nước nói chung và quân, dân Thủ đô Hà Nội nói riêng trong 60 ngày đêm anh dũng.
Những hiện vật đã sưu tầm của Bảo tàng Hà Nội góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
KHÁNH HUYỀN