Chỉ riêng Hà Nội, theo thống kê công bố mới đây, mỗi ngày khối lượng rác thải nhựa phát sinh là rất lớn. Làm sao để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống đang là bài toán hóc búa với chính quyền và nhân dân Thủ đô…
Rác thải nhựa ngày càng gia tăng
Chia sẻ tại Hội thảo “Giảm thiểu rác thải nhựa-Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân” do Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng và Đại sứ quán Hà Lan tổ chức ngày 8-11, tại Hà Nội, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội) cho biết, thống kê của Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cho thấy, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm 7 - 8%. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi ni lông của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt.
|
|
Các đại biểu tham quan gian hàng quảng bá những sản phẩm thân thiện với môi trường. |
Các đại biểu đều cho rằng, hiện nay, TP Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đặc biệt ô nhiễm do rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng, nếu thành phố không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Trong khi đó, ở các thành phố lớn của Việt Nam hiện nay, trong đó có Hà Nội, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ tái chế nhựa đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Thói quen của người dân sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa một lần ngày càng tăng. Ý thức kém, lười biếng và thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một số người khiến cho việc thu gom, tập kết và phân loại, xử lý rác thải nhựa với các loại rác thải khác hết sức khó khăn. Trong khi đó, công nghệ hiện nay của Hà Nội trong xử lý rác vẫn chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt. Do vậy, để có môi trường sống tốt hơn đòi hỏi nhiều biện pháp nhằm tiến tới loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi cuộc sống.
Chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp cùng vào cuộc
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện một số giải pháp hạn chế sử dụng rác thải nhựa như tuyên truyền phổ biến cho người tiêu dùng; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, sử dụng túi tự hủy sinh học, các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Đồng thời, khuyến khích các siêu thị, cửa hàng chuyển sang sử dụng các sản phẩm bọc hàng hóa tự hủy… Chính quyền Thủ đô đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chương trình hành động để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa, hướng đến tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, để rác thải nhựa không còn là nỗi lo của thành phố, không thể chỉ có sự vào cuộc các cấp chính quyền mà rất cần sự đồng lòng của nhân dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Các doanh nghiệp xã hội cung cấp sản phẩm thay thế để hạn chế rác thải trong tiêu dùng và thực phẩm sạch không chất độc hại như Xanh Shop, Sạp hàng chàng Sen, Trạm Refill Station... đang đi vào cuộc sống. Những doanh nghiệp này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm xanh, mà còn góp phần truyền tải đi thông điệp tốt đẹp và giúp việc này trở nên gần gũi và có thể thực hành mỗi ngày.
Theo bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, nhựa vẫn đang và tiếp tục được sử dụng ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên để giảm thiểu tác động tiêu cực của nhựa chúng ta cần đưa ra các sản phẩm nhựa bền vững hơn, dễ tái chế hơn. Đồng thời, cần thay đổi thái độ về việc sử dụng nhựa dùng một lần. Bởi vòng đời của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần tính bằng ngày, bằng giờ nhưng chúng lại mất rất lâu để phân hủy và chi phí xử lý chúng còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí làm ra các sản phẩm này.
Rõ ràng, việc giảm thiểu rác thải nhựa trong bối cảnh hiện nay của Hà Nội là một công việc không hề dễ, tuy nhiên, nếu không bắt tay vào việc giảm thiểu tiến tới hướng đến thành phố không có rác thải nhựa, Hà Nội sẽ phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trầm trọng hơn nữa. Các đại biểu tham dự Hội thảo “Giảm thiểu rác thải nhựa-Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân” đều nhất trí kêu gọi sự vào cuộc của ba bên (chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân) đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để rác thải nhựa không còn là nỗi lo của TP Hà Nội.
Bài, ảnh: BĂNG CHÂU