Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25-11, Tháng hành động vì Bình đẳng giới và Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Theo báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, có 63% phụ nữ tham gia khảo sát bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế trong cuộc đời; Đối với trẻ em, báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và hành chính 8.442 vụ việc với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, số vụ xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất (73,85%), tiếp đến là bạo lực, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em. Bên cạnh đó, trẻ em còn bị xâm hại bởi các hình thức khác như lao động không đúng quy định của pháp luật, bị bỏ rơi, bỏ mặc, tảo hôn. 

Theo kết quả nghiên cứu năm 2014 của tổ chức Plan tại Việt Nam, gần 87% các em gái không cảm thấy an toàn ở nơi công cộng; 31,2% trong số 1,128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt. Báo cáo của UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, từ 1-1-2015 đến tháng 6-2019 đã phát hiện có 655 trẻ em bị xâm hại, trong đó 253 trẻ em gái bị xâm hại tình dục.

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, sự bền vững của gia đình, kéo lùi sự phát triển của xã hội. Nạn nhân của bạo lực, xâm hại có nguy cơ chịu nhiều di chứng suốt đời, tổn hại tới sức khỏe, thể chất, tính mạng, tinh thần. Do đó, việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng chống nguy cơ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự phối hợp triển khai các giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, giữa các cấp, các ban, ngành và toàn xã hội.

Để chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em như: Truyền thông, tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn trong môi trường mạng xã hội… Năm 2020, tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em” trên trang Fanpage của Hội với hơn 23.000 người tham gia; duy trì, nhân rộng và xây dựng mới nhiều mô hình phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em như mô hình Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; 51 tổ “Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”; 1.931 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 110 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; 15 CLB “Phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em”; tổ chức trợ giúp pháp lý cho hơn 230.000 phụ nữ trên địa bàn, trong đó tư vấn trực tiếp 1.612 trường hợp; ra mắt mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em và Nhà tạm lánh… 

Tin, ảnh: MINH ANH